Rừng Sặt sáng ngày 14 tháng 12 năm ấy (Phần 3)

06-11-2019 00-00

Hơn 500 học sinh cứ nguyên quần áo tập đủ màu sắc ào ào rời bãi tập chạy ùa vào hội trường lớn, tranh những hàng ghế trên. Giáo viên, cán bộ, vận động viên các đội điền kinh, bóng đá, thể dục do các chuyên gia huấn luyện cũng được lên hội trường lớn đón Bác Hồ. Hội trường lớn rộng là vậy, giờ như hẹp lại, ồn ào

Các cháu học thể dục thể thao để làm gì?

Hơn 500 học sinh cứ nguyên quần áo tập đủ màu sắc ào ào rời bãi tập chạy ùa vào hội trường lớn, tranh những hàng ghế trên. Giáo viên, cán bộ, vận động viên các đội điền kinh, bóng đá, thể dục do các chuyên gia huấn luyện cũng được lên hội trường lớn đón Bác Hồ. Hội trường lớn rộng là vậy, giờ như hẹp lại, ồn ào. Ai cũng cố ngoái lên nhìn xem Bác ngồi đâu. Mười phút sau, từ cửa vang lên “Hồ Chủ tịch muôn năm!, “Bác Hồ muôn năm”. Giáo viên chính trị Linh Sơn lên tiếng giữ trật tự. Ông hô to: “Tất cả yên lặng để nghe Bác Hồ nói chuyện!”. Bác Hồ nhanh nhẹn bước lên từng bậc xi măng tiến đến cái bục gỗ đặt chếch giữa sân khấu:

- Các cháu có tập quân sự không? – Bác Hồ ân cần mở đầu buổi nói chuyện.

- Thưa Bác có tập luyện quân sự nhiều ạ! – Cả hội trường đồng thanh đáp.

- Vậy là tốt. Đất nước ta còn đang bị chia cắt. Miền Nam bị đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm giày xéo. Chúng ta phải đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Vì vậy thanh niên phải học tập quân sự. Mọi người dân cần phải khỏe mạnh để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Bác lại hỏi: “Các cháu có về nông thôn, xuống các hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy vận động tuyên truyền để có nhiều người ra tập thể dục, rèn luyện thân thể không? “Chưa dứt câu, cả hội trường lại vang lên: “Thưa Bác có ạ!”.

Một cán bộ Phòng giáo vụ: “Thưa Bác, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh đi thực tập vừa để làm quen công tác vận động quần chúng vừa tổ chức cho đông người cùng tập đúng kỹ thuật, đúng bài hướng dẫn của Ủy ban Thể dục thể thao trung ương ạ!”. Bác nghe vậy gật đầu.

Bác Hồ tham quan giờ học Điền kinh của sinh viên Trung cấp khóa 2

Hồi này, bên cánh phải hội trường có câu trích Nghị quyết Đại hội Đảng III (1960) về công tác thể dục thể thao: “Tiếp tục phát triển phong trào vệ sinh phòng bệnh và phong trào thể dục thể thao yêu nước… nhằm nâng cao không ngừng sức khỏe nhân dân”. Bên cánh trái viết nguyên Thư của Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ thể dục thể thao toàn miền Bắc ngày 31 tháng Ba năm 1960 bằng chữ vàng trên nền vải đỏ rất trang trọng. Qua một phút giữ yên lặng, Bác nói tiếp:

- Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng về thăm trường. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ cảm ơn Đảng Cộng sản Liên Xô đã cử các chuyên gia sang giúp đỡ, huấn luyện với tình cảm quốc tế vô sản đoàn kết anh em.

- Bây giờ Bác hỏi: “Các cháu học thể dục thể thao để làm gì?”

Cả hội trường vang lên: “Thưa Bác, học để phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ sản xuất, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc ạ!”.

- Đúng! – Bác rất vui, với giọng nói xứ Nghệ ân cần đầm ấm, âm vang cuốn hút người nghe. Bác chậm rãi tiếp: “Học thể dục thể thao không phải chỉ là chơi, chỉ để giải trí mà học để phục vụ việc nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường sức khỏe thì sản xuất tốt, chiến đấu, học tập tốt. Học thể dục thể thao không phải để làm ông kiện tướng này, bà kiện tướng kia. Cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho nhân dân, đem hiểu biết của mình ra hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tât. Bác căn dặn: Học sinh phải chăm chỉ học tập và phải biết giữ vệ sinh, cán bộ giáo viên phải hết lòng công tác, giảng dạy thật tốt…”. Chợt Bác nhìn xuống hàng ghế đầu thấy hai người chân tay bó bột to xù, đó là giáo viên bóng đá Hàn Hùng Định và vận động viên thể dục Hà Mộng Tường bị chấn thương từ mấy hôm trước. Bác hỏi xuống:

- Các cháu làm sao mà bị bó bột người ở chân, người ở tay thế kia?

- Thưa Bác cháu tập bị chấn thương ạ! Anh Định, anh Tường cùng thưa.

- Bác nói ngay: Tập luyện mà các cháu xem nhẹ việc bảo hiểm, thiếu cẩn thận là không được. Thế này mà đi vận động nhân dân tập luyện thấy các cháu người gãy tay, người đau chân phải băng bó chống nạng thử hỏi ai còn dám ra tập!

Rồi Bác nhắc đến việc phải diệt ruồi, giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe; phải đẩy mạng việc tăng gia, trồng nhiều rau xanh, phải trồng cây để có bóng mát. Bác hỏi:

- Các cháu có muốn Bác về thăm trường luôn không?

- Thưa Bác có ạ. Muốn lắm ạ! Mọi người cùng đáp vang cả hội trường.

Bác Hồ nói tiếp – Như vậy các cháu phải  tích cực thi đua học tập tốt, công tác giảng dạy tốt, phục vụ việc tập luyện tốt, Bác sẽ lại về nữa. Ngừng một lát Bác hỏi:

- Các cháu có môn gì hay, đẹp biểu diễn cho Bác và các đồng chí trong Đoàn cùng xem được không?”

- Thưa Bác có ạ! Mọi người lại cùng đáp.

- Vậy chuẩn bị mười lăm phút nhé! Bác Hồ nói.

Thầy giáo thể dục Hoàng Tuấn Kiệt trực ban ngày học phổ biến: “Tất cả học sinh ra sân bóng đá 2 chuẩn bị làm bài quyền tay không, bài kiếm, bài võ gậy. Chú ý các lớp đứng vào hàng như tập luyện hàng ngày!”.

Mọi người chạy ào ra sân chuẩn bị. Như có phép tiên, rất nhanh hàng ngũ ngang dọc ngay ngắn, chỉnh tề như xếp. Các giáo viên thể dục Ngô Gia, Vũ Văn Sản, Hoàng Tuấn Kiệt, Đoàn Ngọc Lý, Mai Văn Mười, Vũ Chi Mai. Các giáo viên Nguyễn Đình Văn, Vũ Đình Học, Đặng Thị Kim Chi, Nguyễn Thị Nương…sốt sắng dóng các khối. Giáo viên võ dân tộc Sáu Na, người miền Nam đã mấy tháng ròng cùng nhà trường đầu tư cho chương trình đồng diễn có một không hai này.

Bác và đoàn khách ra đến nơi. Giáo viên Hoàng Tuấn Kiệt dõng dạc hô: “Toàn trường chú ý. Nghiêm! Nhìn trước thẳng. Được!” Rồi ông chạy ngắn mấy bước tiến đến cách Bác khoảng năm sáu mét, dập hai chân, tư thế đứng nghiêm theo tác phong quân sự:

- Thưa Bác, cháu Hoàng Tuấn Kiệt, giáo viên thể dục trực ban, toàn trường đã sẵn sàng. Xin lệnh của Bác.

- Được, cháu cho học sinh tập bình thường như mọi khi. Nói xong Bác ra hiệu để các đồng chí cùng đi tiến lên theo hàng ngang xem. Sân bóng 2, hàng trăm cán bộ, một số bà con trong làng Trang Liệt cũng ra đón Bác. Sân trường bỗng im phắc. Chỉ thấy tiếng thở, tiếng chân dập xuống nền cỏ mạnh mẽ, dứt khoát. Đồng diễn xong bài quyền tay không 64 thế, đến bài múa quạt của khối nữ và cuối cùng là bài kiếm. Mỗi lúc đến động tác hạ tân đứng chữ đinh, cùi tay trái ấn khuỷu tay phải để đẩy mũi kiếm thẳng ra phía trước, rồi đồng thanh cùng hô vang “Sát…” đầy dũng khí. Bác gật đầu nói với các đồng chí cùng đi và Ban giám hiệu nhà trường:

- Khá đấy nhưng chưa đều, phải mạnh mẽ nữa!

Bác Hồ tiến lên mấy bước, vào hàng chữa động tác cho mấy học sinh nữ. Bác ra hiệu mọi người cùng chú ý và sửa động tác cầm kiếm sai của Trần Thúy Mai, Lê Hồng Hải. Nhiều người xúm lại nghe Bác phân tích: “Khi đánh kiếm cánh tay phải vung mạnh, động tác phải thật nhanh, dứt khoát. Mũi kiếm đưa đi con mắt phải dõi theo. Võ dân tộc của ta rất giàu tính chiến đấu!”

Bác gọi cô học sinh Đặng Mai Chinh (quê Nam Định) đứng phía tay phải cách Bác mấy sải chân xích lại gần cạnh Lê Hồng Hải: “Cháu nhìn đây, cầm kiếm như thế này mới đúng!”. Bác nói, bàn tay phải của Bác nắm chặt cả bàn tay trái của Hải. Hai bàn tay Bác cháu cùng xiết chặt đốc kiếm. Tay trái của Bác lúc trước đã sửa bàn tay cầm kiếm cho Mai, lúc này tay Bác đã nhích lên cầm phía trên tai kiếm. Cô học sinh Nam Định nhận ra sai kỹ thuật thoáng thẹn ngượng cười. Cả Bùi Thuộc (quê Hồng Gai) đứng phía sau lưng Bác Hồ, Bùi Văn Mỹ (quê Diễn Châu, Nghệ An) cố lách lên, nhìn thật kỹ cách cầm kiếm do Bác chỉ dẫn. Thúy Mai miệng cười nhưng đôi mắt nhìn trân trân vào chòm râu bạc thưa của Bác cũng rung rung như cười. Đôi mắt Hồng Hải thì nhìn dán vào bàn tay xòe rộng của Bác Hồ. Đứng sau Hải, cô học sinh Hà Nội là Đoàn Văn Công (quê Kiến An) vì nhường chỗ để Hải, Chinh nhoi lên thành ra Công bị Chinh che hết cả mặt. Nhiếp ảnh gia đi theo Bác bấm máy liên tục và những tấm ảnh “Bác Hồ sửa kiếm”, “Bác xem đồng diễn bài kiếm”, “Thưa Bác, toàn trường đã tập trung đủ, xin Bác cho chỉ thị”, trong đó có giáo viên trực ban nhà trường Hoàng Tuấn Kiệt là 3 trong 12 tấm ảnh đẹp được Văn phòng của Bác gửi về tặng nhà trường sau đó một tuần. Những tấm ảnh vô giá đó thoắt đấy đến nay đã hơn 60 năm trở thành tài sản tinh thần quý báu không chỉ của Trường Đại học Thể dục thể thao I mà còn là kỷ vật thiêng liêng của Bác với ngành Thể dục thể thao. Bác Hồ đã đi xa. Những người đứng bên Bác ngày đó đều đã cao tuổi. Vậy mà cái thần của những tấm ảnh vẫn đậm tính thời sự, gần gũi, đầm ấm ngỡ như rất mới đây thôi.

Bác chỉ bảo cho toàn thể học sinh Khóa trung cấp 2 ngày đó một cách tỷ mỷ và sâu sắc mang tính chuyên môn kỹ thuật. Lúc sau Bác ôn tồn bảo các cháu làm lại lần nữa, để Bác xem đã tiếp thu cách Bác chỉ dẫn như thế nào. Tất cả cùng đồng thanh “Vâng!” rất to. Rồi ai nấy đều say sưa chuyên tâm vào kỹ thuật động tác, đây cũng là lúc Bác và đoàn khách đi ra con đường chạy giữa sân bóng đá, điền kinh và khu nhà thể dục, Bác lên xe ôtô rời trường. Lúc ấy là 10giờ35phút…

Chuyên mục tin tức