Sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với học sinh và sinh viên Thể dục Thể thao

10-11-2019 00-00

Học sinh sinh viên thể dục thể thao (TDTT) của nhiều khoá học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước rất vinh dự được Bác Hồ đến thăm và ân cần dạy bảo những điều sâu sắc.

Sự quan tam của Bác Hồ đối với học sinh, sinh viên TDTT cũng có nghĩa là sự quan tâm của Người về đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền thể dục thể thao cách mạng vì dân vì nước.

Bác Hồ quan tâm tới học sinh các khoá học TDTT năm 1946.

 

Ngay sau khi ký Sắc lệnh số 14, ngày 30 tháng Giêng năm 1946 thành lập Nha thể dục Trung ương trong Bộ thanh niên, Bác Hồ đã khuyến khích mở trường, lớp đào tạo cán bộ TDTT để phát triển phong trào. Vào giữa tháng 02/1946 Trường Thanh niên Thể dục được thành lập và tuyển sinh đào tạo cán bộ TDTT khoá đầu tiên được mang tên Người, "Khoá đào tạo cán bộ thể dục thể thao Hồ Chí Minh". Bác Hồ đã đến dự lễ khai giảng khoá học này tổ chức tại Đông Dương học xá Hà Nội (Khu trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay). Người động viên các học sinh hãy cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành những cán bộ TDTT phục vụ nhân dân và đất nước. Đến sáng ngày 08/3/1946, Bác Hồ lại đến thăm giáo viên và học sinh khoá học này. Buổi chiều cùng ngày Bác đến sân vận động Hội thể dục (Hà Nội) xem học sinh biểu diễn thể dục và giao hữu Bóng đá.

Học sinh các khoá đào tạo cán bộ TDTT tiếp theo của Trường thanh niên thể dục trong năm 1946 cũng được Bác Hồ đến thăm. Ngày 10/11/1946, Bác Hồ đến dự lễ bế mạc một khoá đào tạo cán bộ TDTT tương đối căn bản, được tổ chức trên sân vận động Hội thể dục (Hà Nội). Sau khi ông Thứ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trao cờ danh dự và ông Tổng Giám đốc Nha thanh niên và thể dục giao nhiệm vụ cho các học sinh tốt nghiệp ra trường. Đúng 15 giờ 15 phút Bác Hồ đến, Người tiến lên trước máy phóng thanh ân cần căn dặn toàn thể học sinh rằng: "Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khoẻ (học sinh được tập các môn thể dục, điền kinh, Bóng đá, Quần vợt, Võ dân tộc, lý thuyết chuyên môn nghiệp vụ và chính trị). Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức và hướng dẫn cho toàn thể đồng bào tập luyện. Có như vậy vông phu tập luyện của anh em mới hữu ích" (Báo cứu quốc số 402, ngày 11/11/1946)

Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với học sinh Việt Nam học tại Học viện thể dục thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc.

Vào tháng 7/1963, trong chuyến thăm nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Bác Hồ đã giành thời gian đến thăm sinh viên Việt Nam học tập tại Học viện TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc). Cùng đi với Người có ông Nguyễn Xỉên - Phó Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Toàn thể 36 sinh viên TDTT Việt Nam trong đó có 5 nữ, đó là vốn quý của ngành Thể dục thể thao nước nhà, vô cùng sung sướng được đón Bác Hồ đến thăm. Bác hỏi han sức khoẻ và tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên. Bác căn dặn tất cả các sinh viên rằng: "Nước ta bị phong kiến, thực dân thống trị, nhân dân ta bị đói khổ hàng bao nhiêu năm, giống nòi kiệt quệ. Ngày nay chế độ mới phải quan tâm đầy đủ đến việc ăn, ở và sức khoẻ cho nhân dân. Công tác TDTT góp phần tăng cường sức khoẻ cho mọi người. Các cháu hãy cố gắng học tập tốt. Nhân dân đang mong chờ các cháu" (Bác Hồ với thể dục thể thao Việt Nam, NXB TDTT, HN 1995, Tr 104).

Bác Hồ đến thăm Trường trung cấp thể dục thể thao Trung ương (Nay là trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) và nói chuyện với học sinh trên hội trường:

Dấu ấn và ý nghĩa sâu sắc nhất về sự quan tâm của Bác Hồ đối với sự ngiệp đào tạo cán bộ TDTT, đó là Bác Hồ đến thăm trường Trung cấp TDTT Trung ương, tiền thân của Trường đại học TDTT Bắc Ninh ngày nay. Vào sáng ngày 14/12/1961, trời mùa đông đẹp và se lạnh, trong khoảng 120 phút, Bác thăm hỏi các chuyên gia Liên Xô và cảm ơn Đảng, Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia sang giúp Việt Nam đào tạo cán bộ TDTT, Bác xuống thăm nhà ăn hỏi han các cấp dưỡng hôm nay cho các cháu học sinh ăn những món gì, Bác lên hội trường nói chuyện với cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường, Bác ra sân xem học sinh toàn trường tập luyện TDTT.

Nói chuyện trên hội trường, Bác Hồ hỏi học sinh nhiều câu, học sinh đều trả lời với Bác rõ ràng, ngắn gọn. Bác Hồ daỵ bảo học sinh những điều hết sức cần thiết như: Các cháu tập luyện không để xảy ra chấn thương, phải tích cực trồng cây để có bóng mát và chắn gió bụi, phải giữ gìn vệ sinh, rau xanh rất tốt nên ăn nhiều… Bác nhấn mạnh: "Các cháu học thể dục thể thao ở đây không phải để đạt ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ (hồi ấy nhà trường chỉ là cơ sở đào tạo cán bộ TDTT), cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho nhân dân, đem hiểu biết của mình ra tổ chức hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật" (Báo thể dục thể thao, số 367, ngày 259/1969). Lời dạy bảo đó của Bác Hồ không chỉ là vinh dự và trách nhiệm cao quý đối với học sinh Trung cấp khoá II hôm đó mà còn có ý nghĩa đối với tất cả các thế hệ học sinh, sinh viên thể dục thể thao Việt Nam.

Bác Hồ còn muốn về thăm trường và cũng để động viên học sinh cố gấng học và hành tốt hơn nữa, cho nên Bác hỏi: "Các cháu có muốn Bác về thăm trường luôn không?". Tất cả học sinh phấn khởi trả lời: "Thưa Bác! Chúng cháu muốn Bác về thăm trường luôn ạ!". Bác rất vui và căn dặn:"Vậy các cháu hãy ra sức thi đua học tốt, phục vụ tốt, báo cáo cho Bác biết, Bác sẽ lại về thăm trường".

Cuối cùng Bác Hồ hỏi học sinh: "Bây giờ các cháu có môn gì biểu diễn cho Bác xem không?". Tất cả học sinh trong hội trường hồ hởi: "Thưa Bác, có ạ!". Bác bảo: "Chuẩn bị 15 phút nhé!". Tất cả học sinh đáp: "Vâng ạ!".

Chỉ 10 phút sau toàn thể học sinh và giảng viên đã ra sân đông đủ tập luyện, giảng dạy. Bác Hồ cùng lãnh đạo nhà trường và các chuyên gia Liên Xô đến xem học sinh tập các môn như: Tập chạy, đẩy tạ, xem môn nhảy sào Bác nói: "Ở Việt Nam ta cần phát triển môn thể thao này". Đi tới sân thể dục xem sinh viên tập xà đơn, xà kép, vòng treo, Bác khen: "Đẹp lắm! Khoẻ lắm! Nếu nhân dân ta ai cũng khoẻ thì nước ta sẽ mau mạnh giàu". Bác nói với các chuyên gia Liên Xô đi bên cạnh rằng: "Thanh niên phải rèn luyện thể dục thể thao, vì thanh niên là tương lai của đất nước" (Theo ông X.Philatốp - Trưởng đoàn Chuyên gia Liên Xô giúp Trường trung cấp Thể dục thể thao Trung ương đào tạo cán bộ).

Xem xong học sinh tập luyện thể dục dụng cụ, Bác Hồ trở ra sân lớn xem học sinh biểu diễn bài kiếm liên hoàn. Bác chăm chú theo dõi từng động tác đánh kiếm của nam nữ học sinh rồi Người đi nhanh vào hàng sửa chữa một vài động tác chưa chính xác của học sinh và nói: "Khá đấy, nhưng chưa đều, phải mạnh nữa. Khi đánh kiếm, cánh tay phải vung mạnh, động tác phải nhanh, lưỡi kiếm đưa đi, con mắt phải nhìn theo. Võ dân tộc của ta rất giàu tính chiến đấu". Tất cả học sinh tập kiếm rất thấm thía lời dạy của Bác.

Sau khi Bác Hồ xem sinh viên tập luyện các môn TDTT, Người căn dặn lãnh đạo nhà trường: "Các chú cố gắng tổ chức dạy và học cho tốt. Chú ý học sinh là con em các dân tộc và học sinh gái". Căn dặn lãnh đạo nhà trường xong, Bác Hồ liền lên ô tô.

Đoàn ô tô chuyển bánh chạy ra cổng trường về Hà Nội, toàn thể học sinh, cán bộ, giảng viên nhà trường vô cùng lưu luyến dõi theo.

Một buổi sáng đầy ý nghĩa, thật vinh dự cho Trường trung cấp thể dục thể thao Trung ương, ngày nay là Trường đại học TDTT Bắc Ninh.

 

Chuyên mục tin tức