Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh thời kỳ thành lập và đào tạo trong chiến tranh (phần 2)

02-11-2019 00-00

Một ngày cuối hè năm 1965, trường đang tổ chức giải Điền kinh toàn miền Bắc thì đế quốc Mỹ đã cho máy bay đánh phá thôn Bính - một thôn nhỏ thuộc xã Đồng Quang - chỉ cách trường 300m – 400m theo đường chim bay, Bom đạn Mỹ đã giết hại nhiều dân thường, phá sập nhà cửa, cây cối.

Dứt tiếng bom, chúng tôi đã chạy tới cứu giúp dân, mặc dù còn nhiều bom bi chưa nổ. Anh Nguyễn Xuân Quy, Nguyễn Quốc Khánh – y sĩ của nhà trường lập tức sơ cứu người bị thương và chuyển lên các bệnh viện. Trường ở gần các trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ như ga Từ Sơn, Yên Viên, Gia Lâm, đường tàu hoả, đường quốc lộ 1A… lại là một cơ sở đào tạo cán bộ nên khả năng bị địch oanh tạc là rất lớn, cấp trên chỉ thị, Trường phải bảo toàn tính mạng cho cán bộ, sinh viên và duy trì đào tạo. Đây là một tình huống rất khó khăn và chưa có tiền lệ. Vậy phải làm thế nào để thực hiện được chỉ thị của lãnh đạo, thực sự là một bài toán khó. Sau nhiều suy nghĩ và trăn trở, Nhà trường đã tìm ra giải pháp thích hợp, đó là phân tán lực lượng ra để đào tạo và tổ chức phòng tránh tốt.

Giờ học lý thuyết tại nơi sơ tán trong những năm giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc

Trước tiên là phân tán tại chỗ, một bộ phận học sinh hệ văn hoá do anh Nguyễn Trường phụ trách ra ở các lán trại mới làm ở trước rặng phi lao, cây xà cừ, hầm hào được đào khắp nơi, quanh nhà ở, lớp học, sân bãi, công tác báo động phòng không được tăng cường, khi có tiếng kẻng tất cả mọi người phải xuống hầm. Một bộ phận do ông Vũ Đình Bản lãnh đạo, với các thầy Lê Văn Xem, Nguyễn Đình Khoái, Mai Văn Muôn, Phạm Văn Xẹn, Trần Đình Khâm, Phan Hồng Minh, Trần Thị Kim Duyên, Hà Thị Hoà…cùng với sinh viên đại học khoá 3, 4, Trung học 4… lên xã Thượng Lan dưới chân núi Mỏ Thổ thuộc huyện Việt Yên, cách Trường hơn 50 cây số. Ở trong nhà dân, học lý luận trong các nhà tranh vách đất, tập luyện trên các sân tạm trong rừng bạch đàn hoặc vườn tre già, bơi lội trên các ao hồ nước đọng, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, hầm hào trú ẩn được đào khắp nơi, đây gọi là khu B.

Một bộ phận do ông Nguyễn Tính lãnh đạo cùng với anh Phan Vĩnh Đôn và các giảng viên Nguyễn Toán, Nguyễn Quang, Lê Mậu Đỗ, Đinh Can, Trần Phúc Phong, Nguyễn Thị Hạnh Phúc, Nguyễn Đức Quỳ, Ngũ Mạnh Tường, Trịnh Căn, Nguyễn Thiệt Tình, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Văn Trạch, Nguyễn Văn Lộc, Đinh Văn Thọ.. cùng sinh viên các khoá đại học 1,2, Trung học 5 và các chuyên gia Trung Quốc, sơ tán lên xóm Đường Sơn, xóm Vân Tự thuộc xã Chiến Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc, cách trường trên 70 cây số. Tại đây chúng tôi lao động làm nhà tạm, làm sân, đào hầm hào, đào giếng. Ở thì dựa vào dân, học lý thuyết trong các lán trại mới làm, tập luyện trong các sân đơn giản dưới các rừng cây bạch đàn, bơi lội trên hồ và kênh đào thuỷ lợi lấy nước từ thượng nguồn sông Cầu; sân điền kinh được làm trên một quả đồi nhỏ hình quả trám với nhiều cây rất nhỏ. Có nhiều khi chúng tôi đang lên lớp thì máy bay Mỹ bay lượn trên bầu trời, tiếng súng cao xạ nổ vang và xa xa là những đụn khói đen của bom đạn Mỹ. Ăn uống thật giản đơn, anh Nguyễn Văn Sái- người luôn đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên trên ngực chỉ có thể lo được cho chúng tôi bánh bột mì luộc với rau muống chấm nước muối pha loãng, họa hoằn lắm mới có bữa cơm hoặc chiếc bánh mỳ.

Mặc dù khó khăn, gian khổ là vậy nhưng chúng tôi vẫn say sưa giảng dạy, học tập, vẫn chơi gôn nhỏ vào buổi chiều tà, vẫn họp hành, tổ chức thi cử, báo cáo khoa học, vẫn đi thăm dân, gặp dân và thăm nhau lúc rảnh rỗi, có những đôi vẫn yêu thương rồi nên vợ nên chồng…mọi việc trở nên đơn giản và thật bình thường, chưa bao giờ cuộc sống của chúng tôi gắn bó với người dân, với cỏ cây thiên nhiên, với hầm hào…mật thiết đến thế. Cũng chưa bao giờ tình cảm đồng nghiệp, tình thầy trò lại thắm thiết, chân tình và vô tư đến vậy. Nhưng chiến tranh vẫn là chiến tranh.

                  (Còn tiếp)

Chuyên mục tin tức