Bóng chuyền
11.08.2024
Lịch sử hình thành và phát triển bộ môn Bóng chuyền
- Thông tin đơn vị:
Bộ môn: Bóng chuyền trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
Địa chỉ: Tầng hai nhà Liên hợp.
Điện thoại: 02222217257
- Lịch sử hình thành và phát triển đơn vị
Là đơn vị lao động tiên tiến xuất sắc của trường Đại học TDTT Bắc Ninh trong nhiều năm, bộ môn Bóng chuyền cũng có lịch sử ra đời và quá trình phát triển gắn liền với sự nghiệp của nhà trường.
2.1. Thời kỳ đầu mới thành lập trường ( 1959 – 1965 )
2.1.1. Giai đoạn 1959 – 1962
Trường trung cấp TDTT được ra đời trên cơ sở thừa kế nền móng của trường tập huấn cán bộ TDTT của quân đội tại rừng Sặt thôn Trang Liệt thuộc địa danh xã Đồng Quang – Tiên Sơn – Hà Bắc.
Để đảm bảo yêu cầu giảng dạy hai khóa trung học, ngay từ buổi đầu tiên, đến khi tốt nghiệp ra trường có trình độ trung cấp TDTT theo một số chuyên ngành, bộ môn Bóng chuyền đã được hình thành đầu tiên cùng với một số môn khác như: TD; ĐK; BĐ; BR; NN; YS và lý luận chính trị.
Biên chế bộ môn Bóng chuyền: 02 giáo viên
Trưởng bộ môn: thầy Nguyễn Đức Quỳ
Kết quả đào tạo: Cuối năm 1962, lần lượt số học sinh của hai lớp Bóng chuyền thuộc khóa trung học I và II đầu tiên được tốt nghiệp ra trường. Trong đó có ba sinh viên có trình độ chuyên môn tốt được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.
2.1.2. Giai đoạn 1963 – 1965
Để đảm bảo nhu cầu cung cấp cán bộ TDTT cho đất nước, UB TDTT cho phép nhà trường vẫn tiếp tục chiêu sinh các khóa Trung học và Đại học đầu tiên
+ Năm 1963 có lớp chuyên sâu Bóng chuyền Trung học 3 và Đại học 1
+ Năm 1964 có lớp chuyên sâu Bóng chuyền Trung học 4 và Đại học 2
+ Năm 1965 có lớp chuyên sâu Bóng chuyền bổ túc 1 và Đại học 3 cùng đội năng khiếu bóng chuyền trẻ thuộc hệ văn hóa.
Ngoài số giáo viên có trình độ Trung, Sơ cấp được đào tạo trong nước ( có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô )trực tiếp làm công tác quản lý và giảng dạy, thì cũng khoảng thời gian này UB TDTT còn phân bổ cho trường và bộ môn Bóng chuyền một số giáo viên được đào tạo từ Trung Quốc ( thầy Phan Hồng Minh ) và từ Liên Xô ( thầy Đỗ Quang Vĩnh ), đồng thời còn có sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc là Giáo sư Ngô Trung Lượng.
+ Biên chế bộ môn từ 5 – 7 giáo viên
+ Trưởng bộ môn: Thầy Nguyễn Đức Quỳ
+ Chương trình, kế hoạch và tài liệu giảng dạy chủ yếu vẫn dựa vào các nước bạn ( Trung Quốc và Liên Xô ).
Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và huấn luyện vô cung đơn sơ và thiếu thốn:
+ Sân bằng đất cấp phối, xỉ than
+ Vạch biên rắc bằng vôi bột
+ Bóng khâu bằng da Bò hoặc da Lợn, ruột bằng cao su ( có vòi )
+ Lưới đan bằng sợi đay
Song với lòng ham mê nghề nghiệp, cả thầy lẫn trò vẫn hăng say giảng dạy và học tập. Đồng thời còn tham gia lao động hết sức mình, góp phần xây dựng nhà trường, tạo dựng them sân bãi, phòng học. Kết quả là do được rèn luyện và thử thách trong khó khăn gian khổ nên các sinh viên đều vững vàng trưởng thành và không ngừng tiến bộ.
2.2. Thời kỳ chiến tranh phá hoại ( 1965 – 1975 )
Giặc Mỹ tăng cường leo thang bắn phá miền Bắc, để bảo toàn lực lượng và tài sản, đồng thời vẫn có thể tiếp tục làm làm nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo cán bộ TDTT có trình độ Trung cấp và Đại học. Nhà trường thực hiện chủ trương sơ tán làm ba khu ( A; B; C ) bộ môn Bóng chuyền cũng được phân bổ theo từng khu đó.
– Khu A: Tại trường và một số địa danh lân cận
Lớp năng khiếu Bóng chuyền (cả Nam và Nữ) thuộc hệ văn hóa, lúc đầu tập tại trường, sau đó sơ tán vào trong Giới Tế ( xã Phú Lâm nay thuộc Tiên Du ) dưới sự quản lý và huấn luyện của thầy Lê Thanh Căn.
– Khu B: Thượng Lan ( nay thuộc Việt Yên Bắc Giang )
Là khu trung tâm sơ tán của trường, sinh viên các khóa được tập trung, học tập tại đây:
+ Chuyên sâu Bóng chuyền từ Đại học K3 đến K6
+ Đại học chuyên tu Bóng chuyền và bổ túc Bóng chuyền K1 và K2
+ Chuyên sâu Bóng chuyền khóa Trung học 4
Trực tiếp là thầy Phan Hồng Minh và thầy Hà Mạnh Thư giảng dạy.
– Khu C: Đức Thắng ( nay thuộc Hiệp Hòa – Bắc Giang )
Hai lớp Bóng chuyền Đại học K1 và K2 được sinh hoạt, ăn ở và học tập tại xóm Tự Do. Thầy Nguyễn Đức Quỳ và thầy Đõ Quang Vĩnh trực tiếp giảng dạy.
+ Sân bãi tập luyện chủ yếu là đất đồi nhờ của HTX địa phương
+ Nơi ăn ở của sinh viên là dựng lán và trọ trong nhà Dân
Do đặc điểm tình hình cả nước đang có chiến tranh ác liệt và khu vực đồng bằng sông Hồng hàng năm thường xảy ra bão lụt, nên nhà trường và bộ môn đều phải thực hiện nếp sống Quân sự hóa để đảm bảo vừa duy trì, vừa có thể học tập và giảng dạy bình thường, lại có thể tham gia lao động, thực tập, thực tế phục vụ các vùng hỏa tuyến, như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai gây ra. Tham gia huấn luyện quan dự nhiệm và Thanh niên xung phong.
Ngoài ra thày và trò còn tham gia thi đấu các giải Bóng chuyền hạng A ( Nam – Nữ ) miền Bắc, tham gia huấn luyện cũng như chỉ đạo thi đấu giúp các lực lượng vũ trang ( sỹ quan thông tin và bộ đội tên lửa ) các trường học ( sư phạm Việt Bắc và Ngoại ngữ ) các Công – Nông – Lâm trường và xí nghiệp miền Bắc.
Kết quả đào tạo:
Hàng năm số học sinh, sinh viên Bóng chuyền của các khóa lần lượt tốt nghiệp ra trường trong hoàn cảnh chiến tranh. Để tăng cường đội ngũ giáo viên cho nhà trường cũng như bộ môn, nhằm bảo đảm tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo cán bộ, nên có một số học sinh, sinh viên xuất sắc đã được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.
+ 1966 có 4 sinh viên: Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Thi Mai và thầy Bảo.
+ 1967 có hai sinh viên lớp Đại học K1 là Nguyễn Xuân Trang và Trần Xuân Đông.
+ 1969 có năm sinh viên lớp chuyên sâu Bóng chuyền Đại học K3: Nguyễn Đình Thản, Bùi Văn Khuy,….Liên,….Hán, Vũ Xuân Đính. Cũng trong khoảng thời gian trên bộ môn còn được bổ sung thêm ba lưu học sinh bóng chuyền được đào tạo từ Liên Xô về: Đoàn Thanh Tòng, Nguyễn Thị Nguyệt và Năng Sơn. Biên chế bộ môn, do nhu cầu đào tạo cán bộ có trình độ cả Trung cấp lẫn Đại học suốt trong thời gian dài của nhà trường nên đội ngũ cán bộ giáo viên bộ môn bóng chuyền trong hoàn cảnh sơ tán được tăng cường khá đông, có thời điểm lên tới 18 người. Đối tượng đào tạo vẫn chủ yếu là các khóa Đại học chính quy tiếp theo, ngoài ra còn có các khóa ĐH HLV, chuyên tu HLV và hệ Trung cấp 10 + 3.
2.3. Thời kỳ thống nhất đất nước đến nay
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịc sử 30/4/1975, Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới là xây dựng XHCN trong phạm vi cả nước. Mọi hoạt động của nhà trường cũng như bộ môn Bóng chuyền cũng phải có sự chuyển đổi cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhu cầu của đất nước.
2.3.1. Sự thay đổi về nhân sự của bộ môn
Do nhu cầu xây dựng và phát triển của phong trào, ngành TDTT cần phải tăng cường cán bộ TDTT cho các tỉnh, thành, trường ở phía Nam, hai giáo viên Bóng chuyền đã được tổng cục TDTT điều động đi cùng với một số cán bộ khác.
Do nhu cầu cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, để tiếp tục đào tạo cán bộ cho các chuyên ngành hẹp có trình độ Đại học và sau Đại học, với chất lượng ngày càng cao, năm giáo viên của bộ môn đã được cử đi làm NCS và thực tập tại Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức và Hungari hoặc hoàn thiện Đại học ở trong nước.
Do nhu cầu giảm nhẹ biên chế trong trường học và các cơ quan nhà nước, cùng với một số cán bộ ở các đơn vị khác, sáu giáo viên bộ môn Bóng chuyền đã được thuyên chuyên công tác sang trường nghề hoặc lực lượng vũ trang.
Do nhu cầu phân cấp quản lý đào tạo, nhà trường đã từng phải trải qua bao gian nan thử thách để gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hết sức nặng nề mà cả đất nước và dân tộc giao cho, qua đó trưởng thành lên rất nhiều và đã tự khẳng định được mình trong lĩnh vực đào tạo. Ngày 25/10/1977 nhà trường chính thức được mang tên trường Đại học TDTT Từ Sơn theo QĐ số 446/QĐ-ĐT của tổng cụ TDTT. Một số giáo viên của bộ môn Bóng chuyền cũng được tách ra làm nhiệm vụ giảng dạy độc lập bên trường Trung học. Còn lại 12 giáo viên chính thức là thành viên chính thức của bộ môn Bóng chuyền trường Đại học TDTT Từ Sơn.
- Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị
Thực hiện quyết đình số 542/QĐ-BVHTTDL ngày 26/3/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn va cơ cấu tổ chức
3.1. Chức năng
Bộ môn Bóng chuyền là đơn vị trực thuộc Ban giám hiệu, là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ của trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, chịu trách nhiệm về học thuật trong các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực Bóng chuyền và Trò chơi vận động.
3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ môn Bóng Chuyền có những nhiệm vụ chính sau đây:
Thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động ngoại khóa khác theo chương trình, kế hoạch giảng dạy hàng năm của Trường:
– Lập kế hoạch giảng dạy cho từng lớp chuyên ngành và không chuyên theo kế hoạch chung của toàn Trường.
– Sắp xếp, bố trí GV giảng dạy và các nhiệm vụ khác phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo.
– Sắp xếp giáo viên chủ nhiệm các lớp chuyên ngành thuộc Bộ môn quản lý.
– Tổ chức giảng dạy và học tập trong Bộ môn theo đúng kế hoạch và thời khóa biểu đã được duyệt.
– Quản lý hồ sơ, theo dõi giờ lên lớp của giáo viên trong Bộ môn.
– Hàng năm lập kế hoạch và tổ chức dự giờ, hội giảng trong Bộ môn và trao đổi học thuật.
– Biên soạn, bổ sung, sửa đổi hình thức thi, câu hỏi đáp án các đề thi trong kiểm tra, đánh giá.
– Tổ chức thực hiện việc thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo kế hoạch.
– Tổ chức biên soạn, cải tiến chương trình, giáo trình môn học. Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, các mô hình học cụ thể và đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy học, thực hành thuộc bộ môn quản lý.
– Phân công giáo viên viết giáo trình các môn học.
– Nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng dạy và học.
Công tác quản lý giáo dục sinh viên.
– Giáo viên chủ nhiệm các lớp theo dõi, đánh giá học tập và rèn luyện đạo đức của sinh viên.
– Hàng tuần Bộ môn tổng kết kết quả rèn luyện đạo đức, học tập của sinh viên gửi về các khoa.
– Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động khoa học kỹ thuật cho sinh viên.
– Đề xuất khen thưởng kỷ luật sinh viên.
– Công tác giáo viên, khoa học kỹ thuật và các công tác khác.
– Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng GV, bố trí giáo viên chỉ đạo thực tập, thực tế, tự học để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…
– Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, thực nghiệm, gắn với thực tiễn đào tạo.
+ Tổ chức nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tham gia nghiên cứu khoa học ở các cấp.
+ Ứng dụng các tiến bộ Khoa học-kỹ thuật vào giảng dạy.
– Lập kế hoạch quản lý, sử dụng, sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo của Bộ môn.
+ Lập kế hoạch khai thác, sử dụng cho từng trang thiết bị
+ Bố trí giáo viên quản lý, hướng dẫn sinh viên.
+ Lập bảng theo dõi Trang thiết bị
+ Lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị
– Phối hợp với các Phòng, Ban, Khoa, Bộ môn khác thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và xây dựng Trường.
– Đề xuất khen thưởng, kỷ luật giáo viên của Bộ môn
– Tổ chức các hoạt động đào tạo chuyên ngành phục vụ các cá nhân, đơn vị ngoài trường có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các công tác khác do Hiệu trưởng giao.
- Cán bộ đơn vị qua các thời kỳ
4.1. Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ
+ 1976 – 1977 thầy Đõ Quang Vĩnh làm chủ nhiệm khoa các môn Bóng, kiêm trưởng bộ môn Bóng chuyền.
+ 1978 – 1982 thầy Nguyễn Xuân Trang làm phó chủ nhiệm khoa các môn Bóng, kiêm trưởng bộ môn Bóng chuyền.
+ 1983 – 1984 thầy Phạm Quang Tuyến làm trương bộ môn Bóng chuyền
+ 1985 – 1988 thầy Nguyễn Xuân Trang cùng với thầy Nguyễn Đức Quỳ làm phó chủ nhiệm khoa Bóng chuyền, Bóng rổ.
+ 1989 – 1990 thầy Vũ Quốc Tuấn làm trưởng bộ môn Bóng chuyền.
+ 1991 – 1992 thầy Trần Xuân Đông làm trưởng bộ môn Bóng chuyền
+ 1993 – 2008 thầy Đinh Văn Lẫm làm trưởng bộ môn Bóng chuyền và có thời gian gồm cả ( Bóng chuyền – Bóng rổ – Bóng ném – Cờ vua )
+ 2008 đến nay thầy Phạm Thế Vượng làm trưởng bộ môn bóng chuyền.
4.2. Cán bộ đơn vị hiện tại
– TS. Phạm Thế Vượng – Trưởng bộ môn
phamthevuong@gmail.com
– ThS. Tô Xuân Thục – P. trưởng bộ môn
Tothuc009674
– ThS.Nguyễn Tất Tuấn – Trợ lý giáo vụ
nguyentattuanbc@gmail.com
– ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Bí thư LCĐ
nguyenthuhienttkt. @gmail.com
– CN – Nguyễn Văn Phong
Cộng tác viên TH
nguyenvabphong@gmail.com
– CN – Nguyễn Huy Nam
– CN – Nguyễn Ngọc Ánh
Nguyngocanh
- Các thành tích đã đạt được
5.1. Kết quả đào tạo
Có khoảng trên dưới 4000 sinh viên chuyên sâu Bóng chuyền đã tốt nghiệp:
+ 46 lớp chuyên ngành Bóng chuyền chính quy.
+ 02 lớp Bóng chuyền của khóa bổ túc Đại học 1 và Đại học 2.
+ 08 lớp Bóng chuyền chuyên tu, từ 1 đến 8.
+ Hàng chục lớp chuyên sâu Bóng chuyền của các khóa tại chức và hoàn thiện Đại học ở một số tỉnh từ Bình Định trở ra. Ngoài ra còn khoảng trên dưới 500 sinh viên chuyên sâu Bóng chuyền thuộc các khóa trung cấp đã được đào tạo và tốt nghiệp ra trường từ những năm trước đây.
5.2. Chất lượng và thành tích đạt được
Hầu hết các sinh viên Bóng chuyền tốt nghiệp ra trường đều có ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực:
+ Một số đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình trên giảng đường, từ các trường phổ thông đến Đại học
+ Một số với long say mê nghề nghiệp và khả năng chuyên môn đã từng được rèn luyện, thử thách, nay đã trở thành HLV của đội tuyển Quốc gia.
+ Một số lại rất thành đạt trên con đường sự nghiệp, đã có nhiều công lao đóng góp cho nền Bóng chuyền Việt Nam cũng như ngành TDTT nước nhà. Nay có người đang giữ trọng trách trong LĐBC VN, vụ trưởng các vụ của Tổng cục TDTT, hoặc các cán bộ quản lý của các địa phương, đặc biệt còn có lưu học sinh Bóng chuyền nay đang làm lãnh đạo quản lý trường TDTT Quốc gia Lào.
Những thông tin và số liệu trên đây là phần nào nói lên quá trình phát triển và sự trưởng thành của bộ môn Bóng chuyền trường Đại học TDTT Bắc Ninh qua nhiều thế hệ. Kế thừa truyền thống quý báu đó, thế hệ giáo viên Bóng chuyền phải thực hiện tốt sự nghiệp trăm năm trồng người, vì sự nghiệp TDTT nói chung và Bóng chuyền nói riêng. Phấn đấu làm tốt hơn nữa bổn phận của mình trên lĩnh vực quản lý, giảng dạy và huấn luyện, góp phần cùng với các bộ môn khác trong nhà trường, Viện KH&CN nhằm đào tạo những thế hệ sinh viên TDTT sau này phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu đổi mới của đất nước.