Lịch sử phát triển Trường giai đoạn I (1959-1964)
23.08.2024
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ 9 năm, hòa bình đã được lập lại ở Việt Nam. Ngày 10/10/1954, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô. Chỉ sau chưa đầy 6 tháng, giữa bộn bề trăm công nghìn việc quốc gia hệ trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho gọi 6 cán bộ thanh niên ưu tú, giáo viên thể dục, nguyên là những vận động viên danh tiếng từ trước năm 1945 đã đi kháng chiến để giao nhiệm vụ: “Chính phủ cử 6 đồng chí sang công tác các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng tổ chức và điều hành hoạt động thể dục thể thao. Để khi về nước, các đồng chí lập đề án xây dựng nền thể dục thể thao nước nhà!”. Một trong những nội dung trọng tâm của chuyến đi nước ngoài dài ngày đâu tiên của một đoàn cán bộ thể dục thể thao là: “Tìm hiểu mô hình các trường đào tạo cán bộ thể dục thể thao cũng như phương pháp tuyển chọn, nuôi dưỡng và chăm sóc vận động viên tập trung quốc gia”….
Quang cảnh Trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương những ngày đầu thành lập
Ngay khi bận rộn nhất, Bác Hồ vẫn quan tâm tới việc phát triển Thể dục thể thao với mục đích “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc” bởi các yếu nguyên nhân sau:
– Thứ nhất
Phong trào lao động sản xuất của nông dân tập thể trong các hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Tốc độ xây dựng trên khắc các công trường dân dụng, quân sự phát triển rầm rộ. Học sinh, sinh viên phổ thông, chuyên nghiệp càng tăng nhanh, bộ đội xây dựng chính quy hiện đại, tất cả đều hướng vào 2 nhiệm vụ chiến lược: Sức khỏe để xây dựng bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
– Thứ hai
Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng rãi. Thể thao thành tích cao phục vụ trong nước và quốc tế cũng đang lên, chỗ nào cũng cần đến giáo viên, huấn luyện viên, chỉ đạo viên và cán bộ quản lý TDTT các cấp.
– Thứ ba
Đội ngũ cán bộ TDTT của ngành đã đến lúc phải tập hợp lại để đào tạo, đó là nguồn cán bộ được đào tạo từ trước Cách mạng tháng 8, từ các lớp ngắn hạn để làm công tác TDTT ở các cơ quan, trong quân đội thời kỳ chống Pháp, từ các khu học xá và các khóa ngắn hạn đón đầu cho kế hoạch thành lập trường TDTT của ngành, của Bộ Giáo dục và nguồn mời các chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, kèm cặp giúp cho đội ngũ cán bộ đào tạo trong nước đủ sức đào tạo giúp cho cán bộ đào tạo trong nước đủ sức đào tạo những khóa đầu, sau đó dẫn đến chuẩn hóa khóa sau.
Đào tạo đội ngũ cán bộ Thể dục thể thao bài bản để phát triển Thể dục thể thao rộng khắp trên cả nước là một nhiệm vụ rất quan trọng
Từ 3 yếu tố trên, Nhà nước đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho trường đào tạo TDTT đầu tiên của đất nước ra đời. Ngày 25 tháng 9 năm 1959 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập trường Trung cấp TDTT Trung Ương. Đánh dấu cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử đào tạo cán bộ TDTT Cách mạng của ngành TDTT nói chung và trường Đại học TDTT nói riêng.
Nhưng không phải có quyết định của Chính phủ là trường hoạt động được ngay. Công tác chuẩn bị mọi mặt: Địa điểm, kinh phí xây dựng, sân bãi dụng cụ, phương tiện, chương trình, giáo trình đào tạo, chiêu sinh…phải cấp tốc tiến hành nhanh, không cầu toàn, phải cố gắng khai giảng càng sớm càng tốt.
Với những nỗ lực vượt bậc, nêu cao tinh thần sáng tạo, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, sau 6 tháng, ngày 15 tháng 3 năm 1960 trường khai giảng khóa trung cấp 1 với 400 học sinh, đào tạo 18 tháng với lực lượng 46 giáo viên, 12 cán bộ phụ trách khối công việc.
Vượt qua mọi khó khăn trong những ngày đầu thành lập, các lớp học vẫn diễn ra vô cùng sôi nổi, chất lượng
Ban giám hiệu gồm 4 đồng chí. Đại úy Nguyễn Tính làm hiệu trưởng. Ít lâu sau tổ chuyên gia TDTT của Liên Xô gồm 5 người, 4 nam và 1 nữ do ông Sergei Philatov làm trưởng đoàn sang giúp đỡ. Trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trong nước và tuyển chọn huấn luyện đội ngũ vận động viên cho trường, vừa làm nòng cốt về kỹ thuật TDTT, vừa làm vận động viên thi đấu quốc gia, quốc tế. Ngày 30 tháng 6 năm 1961 Lễ tốt nghiệp phát bằng cho 300 học sinh hoàn thành khóa học đầu tiên với khả năng đảm nhiệm các yêu cầu của phong trào.
Từ thắng lợi của công tác đào tạo trung cấp TDTT khóa 1. Ngành và trường trung cấp chiêu sinh khóa 2 với mục tiêu là giỏi một môn, thông thạo nhiều môn. Lãnh đạo Ủy ban TDTT và Bộ Giáo dục cho trường chiêu sinh 500 học sinh, thời hạn 24 tháng. Năm đầu học phổ tu, năm thứ 2 phân chuyên sâu. Thời hạn từ tháng 9 năm 1961 đến đầu tháng 9 năm 1963.
Học sinh Nhà trường giai đoạn này được đào tạo theo phương châm giỏi một môn, thông thạo nhiều môn (phục vụ cho phát triển phong trào TDTT)
Lực lượng giáo viên lúc này được bổ sung từ khóa Trung cấp 1 và một số bộ môn mới, đặc biệt là thêm 6 giáo viên văn hóa để dạy cho học sinh khóa 2 bổ túc cấp 2 và cấp 3, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục quy định. Tổng số cán bộ giảng dạy là 75 giáo viên, công tác đào tạo Trung cấp TDTT khóa 2 tuy có thuận lợi hơn, nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Học sinh phải lao động xây dựng sân bãi rất gian khổ. Xưởng trường phải sản xuất hầu hết các dụng cụ tập luyện.
Thực hiện phương châm đào tạo của Đảng là phải trở thành cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Rất coi trọng mặt rèn luyện ngang hàng với học tập. Sinh hoạt theo chế độ quân sự hóa. Học 2 năm thì năm đầu đi lao động thực tế ở nông thôn. Năm thứ 2 đi lao động thực tế ở nhà máy xí nghiệp, hầm mỏ. Trồng rau theo định hướng cung cấp cho nhà ăn, giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt mối hàng ngày. Không hút thuốc uống rượu, không yêu đương nam nữ trong thời gian đang học, chế độ trực ban canh gác rất nghiêm ngặt.
Ngoài ra, hầu hết các thời gian ngoài giờ học phải ngoại khóa, tự tu và tập đồng diễn, đi phục vụ và biểu diễn.
Ngày 14 tháng 12 năm 1961, Khóa trung cấp 2 vinh dự được Bác Hồ về thăm trường. Sự kiện đặc biệt này đã thúc đẩy nhà trường phát triển về mọi mặt cao hơn và không bao giờ cán bộ giáo viên, sinh viên nhà trường có thể quên được.
Bác Hồ đi thăm giờ học Thể dục của học sinh Nhà trường
Năm 1962 nhà trường được Ủy ban TDTT cho triển khai tập trung đào tạo lớp “ vận động viên” trẻ nhằm bổ sung lực lượng cho đội tuyển quốc gia về môn thể dục dụng cụ. Trường đã tuyển chọn lần đầu tiên có 13 em có tố chất, sau đó còn tổ chức nhiều đợt nữa trên cơ sở em nào phát triển được thì tiếp tục đào tạo, em nào kém phát triển thì chuyển sang học tập trung dài hạn các hệ đại học và trung cấp.
Công tác đào tạo vận động viên trẻ các môn thể thao đã được chú trọng từ giai đoạn này
Sau khi kết thúc đào tạo khóa Trung cấp 2, nhà trường đã có kinh nghiệm và điều kiện vật chất sân bãi dụng cụ tốt hơn, chuyển sang đào tạo gối đầu từ Đại học 1 và trung cấp khóa 3 trở đi.
Ngày 31 tháng 1 năm 1964, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký quyết định số 25CP thành lập trường Cán bộ TDTT Trung Ương.
Trường đổi tên là trường Cán bộ TDTT Trung Ương có nhiệm vụ đào tạo Đại học tại chức, chuyên tu Đại học, Trung cấp và hệ văn hóa thể thao, Dự bị thể thao cùng với một số lớp bồi dưỡng ngắn hạn.
Để nhà trường đảm đương được nhiệm vụ mới, mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng những nhu cầu cơ bản đã có những thay đổi. Nhờ sự quan tâm của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước; nhà cửa vật chất, phương tiện dụng cụ tập luyện, sân bãi hội trường, giảng đường đã được đầu tư tốt hơn.
Riêng về cán bộ giảng dạy, trường giữ lại một số học sinh của Trung cấp khóa 2, đón nhận 10 cán bộ tốt nghiệp Đại học TDTT Moscow, 8 chuyên gia Trung Quốc và một số cán bộ giảng dạy chính trị và các môn lý luận chuyên khoa khác do Bộ Giáo dục phân bổ về trường.
Ngày 25 tháng 9 năm 1963 khai giảng khóa 3 Trung cấp. Đầu năm 1964 khai giảng Đại học khóa 1 với số lượng 100 học sinh.
Nhà trường đang trên đà phát triển với chất lượng mới thì xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964 do Đế quốc Mỹ gây ra, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của chúng. Nhà trường kết thúc giai đoạn xây dựng trong hòa bình, chuyển sang giai đoạn đào tạo thời chiến.