Lịch sử phát triển Trường giai đoạn II (1965-1985)
14.06.2024
Đây là giai đoạn thực sự khó khăn nhưng đã ghi những dấu mốc trưởng thành về nhiều mặt của Trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương, nay là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
I. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1965 – 1975)
Trong thời gian 10 năm này, cả nước ta là một chiến trường. Thua đau ở miền Nam, Đế quốc Mỹ bày ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ công khai phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với mức độ tàn khốc chưa từng thấy nhằm huỷ diệt đất nước và con người Việt Nam.
1. Sơ tán lần 1 (1965 – 1970)
Thực hiện chủ trương của Uỷ ban thể dục thể thao, Trường Cán bộ TDTT TW đã tổ chức sơ tán làm 3 khu (A, B, C). Khu A ở trường vì phải làm nhiệm vụ huấn luyện chuẩn bị lực lượng cho thi đấu tại Ganefo Châu Á, còn khu B, C đều ở các vùng miền núi của tỉnh Bắc Giang.
Công tác tổ chức, lãnh đạo, giảng dạy và học tập đều phải phân tán làm 3 cơ sở. Việc sinh hoạt, học tập chuyển sang hình thức quân sự hoá. Tất cả sân bãi, lán trại, lớp học, hầm trú ẩn đều do công sức của thầy, trò từng khu xây dựng.
Trong giờ học lý luận, thực hành thầy và trò luôn mang theo ba lô, mũ rơm, khăn nguỵ trang bên người. Vũ khí quân dụng được trang bị cho các đơn vị để sẵn sàng phối hợp cùng quân đội và dân quân, tự vệ địa phương chiến đấu, bắn máy bay, bắt phi công bị bắn rơi và biệt kích của địch.
Với lòng nhiệt tình cách mạng, ý thức giác ngộ và tính kỷ luật cao, toàn thể cán bộ, thày trò đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Cán bộ, học sinh đều an toàn.
2. Củng cố, xây dựng nhà trường và hoạt động chống lũ lụt (1970 – 1972)
Năm 1970, địch ngừng ném bom miền Bắc, các khu sơ tán trở về trường.Mặc dù còn muôn vàn khó khăn về đời sống, song với sự lãnh đạo, tổ chức tập trung, thống nhất, cơ sở vật chất học tập thuận lợi nên toàn trường đều phấn khởi hăng say trong học tập, giảng dạy vì không còn phải nơm nớp lo phòng chống máy bay ném bom nữa.
Được sự quan tâm của Uỷ ban TDTT, nhà trường được bổ sung đồng chí Nguyễn Duy Hưng về làm Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Thanh Trạm làm Phó hiệu trưởng.Nhà trường đã tiến hành củng cố tổ chức, sắp xếp lại các phòng, ban, bộ môn thay đổi, cải tiến quy chế làm việc, tạo nên sự hoạt động đồng bộ trong nhà trường.
Sau khi ổn định về tổ chức, Đảng bộ nhà trường tiến hành Đại hội lần thứ VI, các tổ chức, đoàn thể chính trị, quần chúng cùng được củng cố. Toàn Trường dấy lên một phong trào thi đua 3 tốt (dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Nhà trường đã trở lại nề nếp và đang trên đà phát triển với khí thế mới thì một thử thách mới lại ập đến. Đó là trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 8/1971. Cả một khu vực từ đê sông Đuống ngược lên Bắc Ninh là một biển nước mênh mông. Riêng nhà trường ta, có nơi chìm sâu dưới 2m nước.
Theo yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh, trừ bộ phận ở lại bảo vệ trường, kê dọn dụng cụ, tài sản còn lại đội ngũ cán bộ,giáo viên và sinh viên toả đi hộ, đắp đê ở những nơi xung yếu như Đồng Kỵ, Tri Phương, Phù Đổng, Nội Doi (thuộc sông Cầu).
Lũ về quá mạnh và nhanh, đê Cống Thôn bị vỡ. Nhiệm vụ hộ đê kết thúc. Vừa kéo nhau về trường thì hơn 100 học sinh Đại học 6 và Trung học 7 cùng 2 thày Lợi và Khoái lại kéo quân sang Phù Lưu bảo vệ kho thóc.Sau 15 ngày đêm ngâm mình trong nước thày trò đã đắp được 250m đê, cao 2m bao quanh và bảo vệ an toàn gần 2000 tấn thóc.
Đúng trưa 02/9/1971, mấy chục xuồng máy đã đưa hơn 300 thày, trò khoá Đại học 5 và 7 lên đường đến Nhất Trai thuộc Hải Dương để đắp đê quai ngăn nước vào đồng để khi nước rút còn kịp chống úng cho việc sản xuất vụ mùa tới.Đây là một công trường lớn với nhiều đơn vị, trường học và quân đội cùng tham gia. Với nhiệt tình cách mạng và ý thức tổ chức, kỷ luật cao, Trường TDTT đã trở thành lực lượng xung kích và là lực lượng luôn giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất, cấp bách nhất trên công trường.
Dưới sự chỉ đạo và trực tiếp lao động của đồng chí Hiệu trưởng Nguyễn Duy Hưng sau 60 ngày đêm ngủ trong lán trên đê, mặc cho rắn rết xung quanh làm việc theo ca kíp 24/24 giờ. Đầu đội nắng lửa, mình ngâm nước lạnh, mặc cho bệnh tật kiết lỵ, dịch đau mắt đỏ tràn lan đã đánh gục các đơn vị bạn. Riêng thày, trò Trường TDTT vẫn trụ vững và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ban chỉ huy công trường, các đơn vị bạn và nhân dân yêu quý, kính nể về lòng nhiệt tình cách mạng, sự dẻo dai, bền bỉ, ý thức tổ chức, kỷ luật cao và hiệu quả công việc.
Kết thúc đợt chống lụt rộn 2 tháng, trở về thày, trò lại bắt tay vào việc khắc phục hậu quả sau khi nước rút ở trường. Quét dọn bùn lầy, cọ rửa sân bãi, nhà cửa, lớp học, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật rồi lại tiếp tục học tập.
Năm 1972, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhà trường Huân chương lao động hạng ba.
3. Cuộc sơ tán lần 2 (1972 – 1973)
Nhà trường trở lại học tập, sinh hoạt bình thường được ít lâu thì Đế quốc Mỹ đã ném bom trở lại miền Bắc. Thực hiện chỉ thị 222 của Thủ tướng Chính phủ, Trường lại tổ chức đi sơ tán. Đảng uỷ và Ban giám hiệu chủ trương chỉ tạm lánh quanh trường với khoảng cách từ 5 đến 10km. Xã Tam Sơn thuộc huyện Từ Sơn được lựa chọn. Hiệu bộ đóng ở xóm Tự, học sinh ở nhờ các xóm Chi, xóm Trúc, xóm Núi, xóm Tây, xóm Xanh, xóm Ô, xóm Trước và thôn Phúc Tinh.
Để giữ bí mật, lần này Trưởng chỉ làm hầm kèo chắc chắn để trú ẩn khi có bom đạn, một số nhà bếp nhỏ để nấu cơm, mọi người đến lấy rồi về nhà dân ăn.Việc học lý luận thì sử dụng đền, chùa, nhà dân. Việc tập luyện thì lợi dụng địa hình tại chỗ. Môn không có điều kiện thì tập bổ trợ hoặc thể lực.
Nhờ việc sinh hoạt theo chế độ quân sự hoá, tính kỷ luật rất cao, nên ngoài việc học tập, giúp dân, khi cần, anh chị em sinh viên hăng hái tham gia củng cố, đắp trận địa, chuyển đạn cho pháo phòng không v.v…
Cuộc tập kích bằng không quân của Đế quốc Mỹ ngày càng lan rộng và khốc liệt. Điển hình là trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, thày, trò nhà trường đã đóng góp cùng dân quân, các đơn vị cao xạ cùng đơn vị tên lửa D65 ở Tam Sơn bắn rơi 2 máy bay, trong đó có 1 chiếc B52.
Phát hiện trận địa ở Tam Sơn, giặc Mỹ đã cho hàng đàn máy bay các loại đến bắn phá. Nhiều nhà dân, trường học, đền chùa bị phá sập.Rạng sáng ngày 29/12/1972 thày, trò Trường TDTT đã đào bới đạn dược, vũ khí và cứu được 25 người còn sống, tìm được 16 người đã chết.
Với những đóng góp trong hai cuộc chiến tranh chống phá hoại miền Bắc,với hơn 680 thày, trò của nhà trường đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở mỗi miền Tổ quốc nên năm 1973 Đảng và Nhà nước đã khen thưởng nhà trường Huân chương chiến công hạng Ba.
4. Mở rộng quy mô đào tạo để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu cán bộ sau khi thống nhất đất nước (1973 – 1975)
Sau thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Đế quốc Mỹ buộc phải rút quân về nước. Tất cả thầy trò lại tập trung về Trường với khí thế sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.
Chỉ thị số 187/TTg ngày 28/6/1972 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “Việc đào tạo và bồi dưỡng các loại cán bộ TDTT vẫn cần tiếp tục để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như chuẩn bị cho lâu dài“.
Mặc dù kinh tế còn vô cùng khó khăn sau chiến tranh, song Nhà nước vẫn chấp nhận cho phép Trường ta mở rộng quy mô đào tạo 1500 học sinh, 500 cán bộ, công nhân, viên chức với tổng số vốn xây dựng là 7 triệu đồng (năm 1972).
Với số tiền ít ỏi nhưng vô cùng quý báu đó, để việc thực hiện dự án có hiệu quả nhà trường đã thành lập Ban lao động do đồng chí Bí thư Đảng uỷ làm Trưởng ban sắp xếp kế hoạch, kết hợp giữa giảng dạy, học tập và lao động xây dựng Trường sở. Huy động được hàng vạn công đào đất, san nền, đào mương, lấp hồ ao, sửa chữa sân bãi… để dành kinh phí cho việc xây dựng các công trình.
Trong giai đoạn này đã xây mới được 2 toà nhà 5 tầng (B6, 7), nâng 5 toà nhà từ 2 tầng lên 3 tầng, mái bằng (B1 – 5), xây bể bơi, phòng học, nhà tập và mau sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập…
Đội ngũ giáo viên hoàn toàn có trình độ Đại học trong và ngoài nước, đồng thời được tăng cường thêm 03 phó Tiến sỹ mới đào tạo về làm công tác giảng dạy (Trần Phúc Phong, Trần Quang Tín và Phạm Trọng Thanh).
Các loại hình đào tạo được mở rộng như: Chính quy, chuyên tu, tại chức, dự bị, hệ văn hoá thể thao, trung cấp. Ngoài ra còn các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ngắn hạn cho cán bộ phong trào, cán bộ quản lý tỉnh, ngành. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Từ chỗ chỉ có đề tài cấp bộ môn của giáo viên, đề tài tốt nghiệp của sinh viên thì nay đã có một số đề tài cấp bộ, cấp ngành.
Hoạt động thi đấu cũng được chú trọng: 15 người đạt danh hiệu Kiện Tướng, 7 người lập kỷ lục quốc gia, 288 người giành Huy chương quốc gia các loại.
Về công tác phục vụ: Ngoài các thành tích phục vụ chiến đấu trong các lần sơ tán, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, thày trò nhà trường còn tham gia:
– Vận động, tổ chức phong trào TDTT của 23 tỉnh thành, ngành.
– Cử 8 cán bộ đi B trong đoàn cán bộ văn xã Trung ương (K33), 5 người công tác tại cơ quan “R” của Trung ương cục vùng giải phóng Đông Nam Bộ.
– Tham gia diễu hành và đồng diễn trong các ngày lễ của quốc gia.
– Trong cả giai đoạn chống Mỹ cứu nước, trường đã có nhiều sinh viên lên đường nhập ngũ. Trong đó có 27 phi công chiến đấu. Hơn 100 sinh viên hoàn thành nghĩa vụ trở về trường tiếp tục học tập và công tác với hơn 40 huân, huy chương, danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.
Với những thành tích đã đạt được, trường đã được Nhà nước khen thưởng:
1 Huân chương lao động hạng Ba.
1 Huân chương chiến công hạng Ba.
1 lẵng hoa của Chủ tịch nước.
5 bằng khen cấp Tỉnh, Bộ, Ngành.
3 bức Trướng của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn.
II. Giai đoạn khắc phục khó khăn để xây dựng và trưởng thành (1976 – 1985).
1. Bối cảnh lịch sử
Đại thắng mùa xuân 1975 đã đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Đất nước đã hoàn toàn độc lập và thống nhất. Toàn dân ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
– Cả nước bị tàn phá nặng nề sau hơn 20 năm chiến tranh.
– Cùng lúc đương đầu với 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Phía Bắc.
– Chống lại những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.
– Chính sách cấm vận của Mỹ.
– Thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra hàng năm.
– Các nước anh em cắt giảm viện trợ vì đã kết thúc chiến tranh.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và VI, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân thực hiện 2 kế hoạch năm năm (1976-1980 và 1981- 1985). Hàng loạt công trình cơ sở vật chất, kỹ thuật lớn đã được xây dựng trên cả nước.
Song với cơ chế bao cấp, trì trệ trong thay đổi cơ cấu kinh tế sang thời bình đã làm cho đời sống nhân dân vô cùng khó khăn gian khổ. Tất cả các mặt hàng đều phân phối, cung cấp theo tem phiếu. Thiếu từ lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng, nhu yếu phẩm…
Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn như vậy song Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến công tác TDTT. Chỉ thị số 227/CT-TW ngày 18/11/1975 của Trung ương Đảng đã vạch rõ nhiệm vụ của ngành TDTT lúc nàylà:
+ Phát triển phong trào TDTT quần chúng với mục tiêu là khôi phục và tăng cường sức khoẻ của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền TDTT – XHCN phát triển cân đối, có tính chất dân tộc, nhân dân và khoa học.
+ Xây dựng lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trong nước và thi đấu quốc tế.
Ngày 20/12/1976 Quyết định số 500-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Olympic Việt Nam đã mở rộng quan hệ quốc tế về công tác TDTT với khu vực và thế giới.
Ngày 25/10/1977 Tổng cục TDTT đã ban hành quyết định số 446/QĐ-ĐT nâng cấp và đổi tên Trường cán bộ TDTT TW thành trường Đại học TDTT Từ Sơn.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất, chiến đấu,nhà trường chỉ đào tạo cán bộ cho nhu cầu của ngành TDTT, ngành giáo dục, các tổ chức TDTT trên phạm vi miền Bắc. Chuyển sang giai đoạn này, nhà trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho cả nước và cho nước bạn Lào.
Trải qua hơn một năm chiến tranh, Trường TDTT đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển mạnh mẽ.
Nay trước yêu cầu mới của cách mạng, Nhà nước và ngành đã quyết định ngoài trường Đại học TDTT Từ Sơn sẽ thành lập thêm 3 trường Trung cấp tại 3 miền và trường Đại học TDTT Từ Sơn có trách nhiệm chia sẻ cán bộ giáo viên cho cả 3 trường Trung cấp.
– Trường Trung cấp TDTT số 1 tách từ Trường Đại học TDTT ra do thầy Lê Quang Liên làm Hiệu trưởng, thày Đỗ Quang Vĩnh, Phạm Thành Phúc làm Hiệu phó, cùng một số cán bộ giáo viên, vì chưa có địa điểm nên tạm tách riêng một khu ở trong trường và tập luyện cùng sân bãi.
– Năm 1976 Trường Trung cấp số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh do thày Dương Nghiệp Chí làm Hiệu trưởng, thày Mai Văn Muôn làm Hiệu phó cùng một số cán bộ, giáo viên.
– Trường Trung cấp số 3 tại thành phố Đà Nẵng do đồng chí Phan Văn Quyền làm Hiệu trưởng, đồng chí Lê Viết Châu và thày Phạm Văn Thụ làm Hiệu phó cùng một số cán bộ, giáo viên. Đương nhiên những cán bộ, giáo viên chi viện cho các trường đều là những cán bộ tốt, giỏi về chuyên môn, song do nhà trường đã định hướng thời cuộc từ những năm 1972, 1973 thêm vào đó Trường là nơi đào tạo có tính chất “Máy cái” nên có điều kiện bổ sung hàng năm bằng những cán bộ tốt, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và toàn diện nên bộ máy của nhà trường dù bị phân chia đi song vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
2. Quán triệt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh các hoạt động của Nhà trường
2.1. Nhiệm vụ trọng tâm của Trường giai đoạn 1976-1985
Để thực hiện chỉ thị 227 của Trung ương Đảng, Nhà trường đã xác định được 5 nhiệm vụ của Trường trong giai đoạn này là:
+ Đào tạo cán bộ, giáo viên cho cả nước và các nước bạn.
+ Đào tạo huấn luyện viên các môn làm lực lượng nòng cốt.
+ Cung cấp cán bộ, giáo viên cho các trường mới thành lập.
+ Nghiên cứu khoa học TDTT.
+ Làm công tác phục vụ cho các yêu cầu của Nhà nước, các tỉnh thành ngành trong những ngày lễ hội lớn của quốc gia hay của ngành TDTT.
Mục tiêu và quy mô đào tạo:
+ Về Trung học: Chiêu sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, đào tạo 3 năm để làm giáo viên dạy TDTT ở các trường phổ thông với chỉ tiêu 150 học sinh mỗi năm.
+ Về Đại học: đào tạo theo 3 loại:
– Đào tạo cán bộ giáo viên phục vụ phong trào cho các tỉnh thành (hệ giáo dục thể chất).
– Đào tạo huấn luyện viên, trọng tài cho các đội trung tâm huấn luyện nâng cao thành tích thi đấu (hệ huấn luyện viên).
– Đào tạo cán bộ y học TDTT làm công tác chăm sóc y tế cho vận động viên.
Quy mô đào tạo chung của Đại học là 200 sinh viên.
Từ sau chiến tranh biên giới 1977 – 1979 Trường đào tạo sỹ quan dự bị cho các sinh viên đã tốt nghiệp Đại học.
Ngày 22 tháng 5 năm 1981, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 120/TTg đổi tên Trường Đại học Thể dục thê thao Từ Sơn thành Trường Đại học Thể dục thể thao.
2.2. Xây dựng và hoàn thiện một bước cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo
Để thực hiện được những nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra, trường lập đề án xin kinh phí xây dựng cơ bản của Nhà nước, kết hợp với tuyên truyền giáo dục để thày trò cả trường cũng đóng góp công sức lao động để xây dựng nhà trường. Lập một tổ sản xuất gạch cung cấp thêm cho xây dựng.
– Trong thời gian này đã xây được một nhà liên hợp 3 tầng làm khu làm việc của các đơn vị và các lớp học lý luận.
– 1 nhà tập thể dục dụng cụ.
– 1 nhà tập Bóng bàn.
– 1 nhà tập Bóng chuyền (sau làm nhà tập Cầu lông).
– 1 nhà tập Võ, Vật.
– 1 trường bắn đảm bảo tiêu chuẩn thi đấu.
– 1 nhà thư viện.
– 2 nhà 5 tầng làm ký túc xá.
– Nâng cấp 5 nhà 2 tầng thành 3 tầng làm ký túc xá.
– Nhiều sân tập Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ…
– Một số công trình phục vụ khác…
– Nhiều máy móc phục vụ tập luyện, nghiên cứu khoa học.
2.3. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bổ sung cán bộ
+ Đội ngũ lãnh đạo: Một đặc điểm nổi bật của đội ngũ lãnh đạo trong giai đoạn này là tất cả đều trẻ, đúng chuyên môn và có đào tạo hoàn chỉnh về kiến thức ngành nghề.
Có 3 đồng chí làm Hiệu trưởng:
– Đồng chí Đinh Văn Thọ (1976 – 1981).
– Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Cừ (1981 – 1983).
– Giáo sư Tiến sỹ Lê Văn Lẫm (1983 – 1985) sau làm tiếp đến 1997.
Phó hiệu trưởng là các đồng chí:
– Nguyễn Thanh Trạm.
– Trần Đình Khâm.
– Tiến sỹ Phạm Trọng Thanh.
– Tiến sỹ Vũ Đức Phùng.
– Tiến sỹ Lê Văn Xem.
Ngoài ra còn hai đồng chí được bổ nhiệm Hiệu phó và đi xây dựng Trường Trung cấp 2 là Tiến sỹ Dương Nghiệp Chí và Mai Văn Muôn.
+ Kiện toàn và bổ sung cán bộ cho các phòng ban như:
– Phòng tổ chức cán bộ.
– Phòng đào tạo.
– Phòng tuyên huấn để chăm lo công tác tuyên truyền giáo dục và đời sống tinh thần cho cán bộ giáo viên, sinh viên.
– Phòng Tài vụ.
– Phòng kế hoạch tổng hợp.
– Phòng hành chính quản trị.
– Bệnh xá.
– Phòng đời sống. Đây là một phòng mới sinh ra trong thời bao cấp. Trước chỉ là nhà ăn tập thể, song vì điều kiện sống lúc đó quá thiếu thốn, khó khăn nên ngoài nhiệm vụ nấu ăn tập thể còn có bộ phận chuyên chăn nuôi, trồng trọt rau xanh, trồng lúa để cải thiện thêm cho đời sống cán bộ, sinh viên.
+ Các khoa, bộ môn chuyên môn được tổ chức sắp xếp lại.
Trước đây các môn học được tổ chức thành bộ môn, do Phòng đào tạo (Giáo vụ) quản lý, giai đoạn này thành lập các khoa trực thuộc Ban giám hiệu:
– Khoa Lý luận: Bao gồm tất cả các bộ môn: Lý luận chuyên ngành, Lịch sử TDTT, Toán thống kê, Giải phẫu, Sinh lý, Sinh cơ, Y học TDTT, các môn văn hoá như Toán, Lý, Hoá, Văn với số lượng xê dịch từ 30 đến 40 giáo viên.
– Khoa Thể dục: Các môn học về thể dục.
– Khoa điền kinh.
– Khoa Bơi lội.
– Khoa các môn bóng.
– Khoa quốc phòng.
Đội ngũ giáo viên được tăng cường về số và chất lượng. Trong giai đoạn này đã có 13 Tiến sỹ đào tạo ở nước ngoài về.
+ Củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường:
– Đảng bộ của trường giai đoạn này có khoảng 70 đồng chí, tổ chức làm 5 Chi bộ có trách nhiệm quản lý giáo dục tư tưởng, chỉ đạo hoạt động của các đơn vị trong trường…
– Đoàn thanh niên cộng sản tích cực phát động các phong trào hoạt động văn hoá, thể thao, phong trào nếp sống mới trong giáo viên trẻ và sinh viên toàn trường, là đơn vị có nhiều thành tích được nhiều giấy khen của tỉnh, ngành, Tổng cục TDTT.
– Công tác công đoàn: Công đoàn cũng được tổ chức thành 5 bộ phận ứng với các Chi bộ của trường. Công đoàn trong giai đoạn này đã đóng góp tích cực trong việc động viên cán bộ giáo viên thi đua phục vụ, giảng dạy tốt. Đặc biệt rất tích cực trong việc chăm lo đời sống cho cán bộ, sinh viên, chỉ đạo các công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi, làm lò gạch… Đời sống cán bộ sinh viên cũng giảm bớt một phần khó khăn.
3. Kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1976 – 1985
3.1. Công tác đào tạo
– Bậc Đại học: 1518 sinh viên đã tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 83%.
– Bậc Trung học: 1047 học sinh đã tốt nghiệp, đạt tỷ lệ hơn 92%.
Công tác thực tế và thực tập của sinh viên được chú trọng. Mỗi khoá học đều có một đợt đi thực tế ở các địa phương để rèn luyện bản thân tìm hiểu môi trường, phong trào thực tiễn và phần nào đóng góp vào phong trào TDTT của địa phương.Đợt thứ 2 cùng về các cơ sở TDTT ở địa phương, trường học để rèn luyện ý thức và thực tập nghiệp vụ xây dựng, tổ chức phong trào, giảng dạy và huấn luyện các môn thể thao.Hoạt động này đã góp phần thắt chặt quan hệ của nhà trường với các cơ sở, giúp đỡ phong trào địa phương đồng thời thực hiện phương châm kết hợp giữa học với ứng dụng trong thực tiễn góp phần nâng cao năng lực của học sinh, sinh viên.
3.2. Công tác nghiên cứu khoa học
Trong thời kỳ này nhà trường tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế để nâng cao trình độ giáo viên, mời các chuyên gia nước ngoài sang làm việc như Nga, Đức… Tổ chức các lớp sang khảo sát và học tập bồi dưỡng nghiệp vụ ở Đức, Nga, Hàn Quốc, hướng dẫn triển khai phòng thí nghiệm, chẩn đoán chức năng.Hàng năm đều có các Hội nghị khoa học của cán bộ nhà trường có đề tài cấp ngành, cấp Nhà nước.
c. Cung cấp cán bộ cho các tỉnh thành cả nước và các ngành khác như Quân đội, Công an, các Nhà máy, Xí nghiệp…
Đặc biệt là chia sẻ cán bộ cho 3 trường Trung cấp để hình thành bộ khung của các nhà trường.
d. Công tác xây dựng cơ sở vật chất đã đề cập ở phần trên.
3.3. Công tác phục vụ:
Trong các ngày lễ hội lớn của dân tộc, của ngành, của Trường Đại học TDTT Từ Sơn luôn là lực lượng nòng cốt không thể vắng mặt trong các buổi diễu hành, đồng diễn như đồng diễn chào mừng Quốc hội thống nhất, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, Kỷ niệm ngày 2/9, ngày thành lập Quân đội, Công an, ngày 30 năm giải phóng thủ đô…
Tất cả đều là những màn biểu diễn đầy ý nghĩa, sôi động và đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người xem và tham dự biểu diễn.
Năm 1982 nhà trường đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng nhì vì thành tích xuất sắc trong việc khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt.
Các thành tích nổi bật trong giai đoạn 1965-1985
Huân chương lao động hạng ba được tặng thưởng năm 1972
Huân chương chiến công hạng ba được tặng thưởng năm 1973
Lãng hoa bác Tôn tặng được tặng thưởng năm 1974
Huân chương lao động hạng nhì được tặng thưởng năm 1982