Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh thời kỳ thành lập và đào tạo trong chiến tranh(phần 1)
01.11.2019
Đó là một bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ của ngành. Đại học khoá 1 đã được chiêu sinh, hơn 300 người là học sinh phổ thông, có cả cán bộ, bộ đội đã nô nức tới trường tham gia dự tuyển mong có cơ hội trở thành một cán bộ TDTT chuyên nghiệp bậc đại học, nhưng chỉ có 97 người đủ điều kiện về mặt đạo đức, sức khoẻ, năng khiếu và văn hoá được chọn. Các anh chị Nguyễn Đức Lâm, Trần Minh Đức, Nguyễn Thị Tú Bình, Nguyễn Thị Diễm Phúc, Đoàn Quốc Tế, Nguyễn Kim Sơn, Mai Thuỳ… là những sinh viên đầu tiên của Trường.
Lãnh đạo nhà trường cùng tập thể giáo viên và sinh viên Bộ môn Điền kinh trong những năm đầu thành lập
Đội ngũ giảng viên của trường lúc bấy giờ, ngoài các thầy, các cô cũ, nay có thêm nhiều người tốt nghiệp đại học ở trong và ngoài nước. Anh Nguyễn Xuân Điền, anh Phạm Xuân Nhàn tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội, anh Nguyễn Toán, Nguyễn Trường, Trần Phúc Phong, Nguyễn Thị Hạnh Phúc, Nguyễn An Quý, Phan Hồng Minh, Phạm Hồng Quang, Đinh Văn Thọ tốt nghiệp tại Học viện TDTT Bắc Kinh – Trung Quốc. Tiếp đó, lại có các anh chị tốt nghiệp ở Trung Quốc về như anh Mai Văn Muôn, Dương Nghiệp Chí, Nguyễn Văn Trạch, Nguyễn Thiệt Tình, Trần Quang Tín, Phạm Tuấn Phượng, Nguyễn Cao Huân, rồi đến các anh Nguyễn Đình Khoái, Lê Văn Xem, Phạm Văn Xẹn, Đỗ Quang Vĩnh, Tạ Lân, Ngũ Mạnh Tường.. ở Liên Xô về.
Đội ngũ giảng viên được đào tạo ở nước ngoài về đã kết hợp chặt chẽ với giảng viên cũ đẩy mạnh giảng dạy, huấn luyện. Các anh, các chị đã mang về những kiến thức lý luận mới, những kỹ thuật, chiến thuật và phương pháp hiện đại mà trong nước chưa có. Anh Nguyễn Xuân Điền đã biên soạn được cuốn sách sinh lý TDTT làm tài liệu cơ bản để giảng dạy. Anh Nguyễn Toán là người đầu tiên xây dựng bộ môn lý luận TDTT một cách đầy đủ và hoàn thiện, sau này anh trở thành PGS.TS, một nhà khoa học TDTT có uy tín. Sau đó, anh Đào Bá Trì được cử đi bồi dưỡng môn Tâm lý – Giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xây dựng và giảng dạy bộ môn Tâm lý – Giáo dục. Ngoài ra, nhà trường còn mời nhiều nhà khoa học đến giảng dạy và thuyết trình nhiều vấn đề quan trọng, như thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Giáo sư Trần Đức Quang, Giáo sư Nguyễn Công Quyền, Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Phan Huy Lê… Các nhà khoa học đã đem đến những kiến thức khoa học và những thông tin mới, góp phần vào chất lượng đào tạo.
Lúc này, Ông Vũ Đình Bản, một sĩ quan lâu năm trong quân đội được cử về làm Hiệu trưởng, các ông Vũ Tiến Quân, Nguyễn Tính làm Phó Hiệu trưởng, các phòng, bộ môn cũng được củng cố- anh Phan Vĩnh Đôn, một đại uý quân đội về làm Trưởng phòng Giáo vụ, anh Nguyễn Xuân Điền Trưởng bộ môn Y học, anh Lê Mậu Đỗ – Trưởng bộ môn Mác – Lênin, anh Trần Phúc Phong, Trưởng bộ môn Thể dục, Nguyễn Đức Quỳ – Trưởng bộ môn Bóng chuyền, Nguyễn Thiệt Tình – Trưởng Bộ môn Bóng đá, Đinh Văn Thọ – Trưởng bộ môn Điền kinh, Phạm Ngữ – Trưởng bộ môn Bắn súng…Đó là những điều kiện cần thiết cho phép Trường tiếp tục tuyển sinh các khoá đại học 2,3,4.. và Trung học 3,4,5…Mọi hoạt động của Trường đang có khí thế và trên đà thuật lợi thì một sự kiện lớn đã xảy ra, đó là vào mùa hè năm 1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay, tàu chiến phá hoại miền Bắc nước ta. Từ đây, Nhà trường bước vào thời kỳ đào tạo trong chiến tranh, và chiến tranh thực sự đã đến sát Trường.
(Còn tiếp)