Hồ Chí Minh với việc phát triển Thể Dục Thể Thao quần chúng

Các nhà nghiên cứu cho rằng, TDTT là một bộ phận của nền văn hóa xã hội, là một loại hình hoạt động mà phương tiện cơ bản là các bài tập thể lực nhằm tăng cường thể chất con người, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giáo dục con người phát triển toàn diện, làm khơi dậy và phát huy tối đa mọi tiềm năng trong con người. Quần chúng là tất cả mọi người trong xã hội.

Như vậy, “TDTT quần chúng” chính là TDTT cho tất cả mọi người, mọi nguồn nhân lực.

Hạt nhân cơ bản, cốt lõi nhất của sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh là giải phóng con người một cách triệt để, con người được tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện. Điều đó cũng có nghĩa đích cuối cùng của cách mạng là mang lại hạnh phúc và sức khỏe cho con người.

Theo Hồ Chí Minh, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Sức khỏe có vai trò to lớn trong cuộc sống của mỗi con người, của mỗi dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức khỏe là nhân tố rất cơ bản góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về thế và lực của quần chúng nhân dân. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Sự nghiệp sáng tạo xã hội mới là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Sức mạnh tổng hợp về thế và lực của quần chúng nhân dân sẽ làm nên mọi sự nghiệp vĩ đại.

Chính vì vậy, ngày 30/1/1946 ( nghĩa là chưa đầy 4 tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14- SL thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên lúc đó) với nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Sau Tổng tuyển cử (ngày 6/1/1946), khi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ mới ký sắc lệnh số 38 ( ngày 27/3/1946 ), về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể dục gồm Nha Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Cùng với thời điểm công bố sắc lệnh số 38, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “ Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc – cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh – số 119 ra ngày 27/3/1946. Đây chính là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, là sự thể hiện rõ nét nhất quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển TDTT quần chúng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dưới chế độ dân chủ, Thể thao và Thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích tăng cường sức khỏe của nhân dân. Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều được làm tốt”. Vì thế, Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào TDTT rộng khắp”. Đó là những quan điểm chung của Hồ Chí Minh về phát triển TDTT quần chúng.

Trong quần chúng nhân dân, thanh niên chiếm một bộ phận rất đông đảo. Giáo dục thể chất và thể thao là một thành phần rất cơ bản, nền tảng của TDTT quần chúng. Hồ Chí Minh rất coi trọng TDTT đối với thế hệ trẻ.

 Về giáo dục thể chất cho tuổi trẻ học đường, Hồ Chí Minh xác định là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ: “ Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Từ quan điểm đó, sau này Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách cụ thể về giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng đó là “ Thể dục kết hợp với giữ gìn vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”. Bốn mặt đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó Thể dục là tiền đề đầu tiên để phát triển các mặt giáo dục khác. Kể cả học viên trong nhà trường quân đội cũng vậy, Hồ Chí Minh đã đề cập giáo dục thể chất lên trước hết: “ Các cháu phải ra sức thi đua: Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững chắc, hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng ”.

Về giáo dục thể chất cho thanh niên đang tham gia mọi hoạt động trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “ Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước”. Người nhấn mạnh: “ Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân”.

 Trong quần chúng nhân dân, còn có một bộ phận rất lớn, rất quan trọng, đó là nguồn nhân lực đang và sẽ tham gia thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” như: công nhân, nông dân, chuyên viên kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ… là trung tâm của sự phát triển. Nguồn nhân lực này không chỉ đông đảo mà đòi hỏi chất lượng phải cao. Một trong những yếu tố cấu thành chất lượng cao của nguồn nhân lực là sức khỏe của mỗi người. Bởi “ không có một trí tuệ sáng suốt trong một cơ thể ốm yếu”. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng sức khỏe của nguồn nhân lực, Người khuyên: “ Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn có sức khỏe thì thường xuyên luyện tập TDTT”. Sức khỏe của con người là một nguồn lực lớn làm giàu thêm của cải vất chất, tinh thần cho xã hội. Từ quan điểm này, Người chủ trương phát triển TDTT khắp mọi miền, mọi vùng của đất nước.

Để cho quần chúng nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền về lợi ích của TDTT. Trong một cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18/8/1958, nghe báo cáo về các vấn đề TDTT của tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý công tác tuyên truyền phải làm nổi bật được tầm quan trọng của TDTT đối với sản xuất và quốc phòng.

 Thực hiện chỉ thị của Người, từ cuối những năm 1958 trở đi, trên các tờ báo ở Trung ương lẫn địa phương, cũng như trên đài tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh các tỉnh, thành phố đã quan tâm và phát các tin bài về TDTT đối với phát triển sản xuất, tăng cường quốc phòng.

Đầu năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh công tác tuyên truyền về TDTT kết hợp với giữ vệ sinh phòng bệnh: “…cần đẩy mạnh hơn nữa. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, gây thành một phong trào thể dục vệ sinh”.

Tháng 7/1964, khi thăm triển lãm Vân Hồ về “ Mười năm phát huy truyền thống Điện Biên Phủ”, Bác dừng lại xem khá kỹ phần TDTT. Thấy bức ảnh Bác tập thể dục hồi ở Việt Bắc được phóng to đến 0,90m x 1,20m đặt trang trọng ở gian trưng bày TDTT, Bác góp ý nhẹ nhàng: ‘Sao không tìm được một tấm về phong trào quần chúng rèn luyện TDTT phóng to, đặt ở phần đầu có hơn không. Ảnh của Bác thì phóng to vừa vừa thôi và treo ở đâu cũng được, cứ gì phải ở đầu”. Điều đó đủ cho ta thấy Bác quan tâm đến công tác tuyên truyền đến mức nào.

Tại Đại hội toàn miền Bắc những đơn vị và cá nhân tiên tiến trong phong trào TDTT yêu nước chống Mỹ (3/1966), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chuyển lời căn dặn của Bác đến các đại biểu: “ Phải làm cho phong trào TDTT nước ta tốt hơn nữa, làm cho dân tộc ta có sức khỏe tốt, có tinh thần tốt để chiến thắng đế quốc Mỹ ”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn luôn quan tâm, dành thời gian theo dõi, chỉ đạo, và động viên đối với ngành TDTT. Trong năm 1946, Người nhiều lần đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Trường cán bộ thể dục Việt Nam, lớp thể dục quân sự phổ thông Hà Nội. Trước khi sang thăm Pháp, Người đã gặp mặt cán bộ Nha thể dục và đại biểu các tỉnh và dặn: “Quần chúng không những phải tập luyện thể dục mà còn phải biết võ nghệ để bảo vệ đất nước”.

 Người đã đến dự lễ bế giảng khóa bổ túc của các cựu HLV Trường Cao đẳng Thể dục Phan Thiết và Đà Lạ tháng 11/1946. Người đến các địa điểm tập luyện ở Nha Đảo xảo (Cung văn hóa Hữu nghị hiện nay); Quảng trường Nhà hát Lớn;  sân vận động SEPPO (Sân Hàng Đẫy hiện nay)… . Ngày 8/3/1946, Người đã đá quả bóng danh dự, mở màn trận đấu giữa đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và Đội Vệ quốc Đoàn, xem thi đấu bóng đá hữu nghị giữa hai đội Hà Nội và Khmer tại SVĐ Hàng Đẫy (6/1957); dự Lễ khánh thành sân Hàng Đẫy và trận đấu bóng đá giữa ĐT Phnôm Penh (Campuchia) và Hà Nội (24/8/1958); dự Đại hội Bơi lội thiếu niên miền Bắc lần I (1958, bể bơi Ba Đình); dự lễ bế mạc Đại hội TDTT Thủ đô lần I (1961), tiếp các đoàn thể thao nước ngoài vv…

 Ngày19/12/1966, khi tiếp các đoàn VĐV đoàn TTVN tham dự GANEFO châu Á thắng lợi trở về (có các danh thủ Trần Oanh-bắn súng, Trần Hữu Chỉ-điền kinh, Vũ Thị Sen-bơi…), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc anh hùng”…

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT, 65 năm qua, nền TDTT nước ta đã đạt được nhiều thành tích to lớn. Phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng ở các địa bàn và nhiều đối tượng dân cư, đã góp phần nâng cao thể lực, phòng chữa bệnh tật, xây dựng lối sống mới lành mạnh cho nhân dân và góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, 65 năm qua, nhân dân cả nước tham gia nhiều phong trào TDTT rộng lớn, đặc biệt là phong trào toàn dân tập thể dục, rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ do Uỷ ban TDTT Việt Nam phát động từ năm 1990 đến nay đã mang lại tầm vóc mới, sức vóc mới cho TDTT nước ta.