Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT: Hoàn thành Dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ VHTTDL trong quý I/2023
09.02.2023
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và được xem là yêu cầu khách quan của sự phát triển, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT. Theo đại diện Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông – Tập đoàn VNPT, đơn vị tư vấn giải pháp, mục tiêu đề án đặt ra, việc chuyển đổi số không chỉ góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế mà còn hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV.
Chuyển đổi số trong TDTT là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi về “môi trường tương tác” từ truyền thống lên môi trường số dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại. Dưới tác động của chuyển đổi số, các yếu tố trên được dự kiến sẽ diễn ra sôi động và đa dạng hơn.
Dưới tác động của chuyển đổi số, các yếu tố trên được dự kiến sẽ diễn ra sôi động và đa dạng hơn
Đây cũng chính là các yếu tố giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về quy mô, doanh thu và lợi nhuận của ngành thể thao, tạo đà cho những đóng góp thiết thực vào tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Chuyển đổi số trong TDTT sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu những mục tiêu trên, Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng Hạ tầng số; Xây dựng, phát triển nền tảng số; Phát triển dữ liệu số; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số; Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số.
Đề án cũng xây dựng thành 2 lộ trình thực hiện, gồm: Giai đoạn 1 (2023 -2025) và Giai đoạn 2 (2026 – 2030).
Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT cũng xây dựng thành 2 lộ trình thực hiện, gồm: Giai đoạn 1 (2023 -2025) và Giai đoạn 2 (2026 – 2030).
Trong giai đoạn 1, đề án sẽ ưu tiên tập trung hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Tổng cục Thể dục thể thao. Giai đoạn này tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kiến thức về thể thao hiện đại cho cán bộ, viên chức và người lao động. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin: hệ thống tường lửa bảo mật dữ liệu, đường truyền, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu Tổng cục TDTT.
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, xây dựng kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, xây dựng tài nguyên thông tin số tại Tổng cục Thể dục thể thao. Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu dùng chung trên cơ sở các dữ liệu được số hóa của Tổng cục TDTT và dữ liệu chia sẻ từ các hệ thống khác. Bên cạnh đó, đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các Vụ, đơn vị trực thuộc.
Trong khi đó, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, hoàn thiện kho tri thức số cho Tổng cục TDTT; đầu tư trang thiết bị, phục vụ việc khai thác các tài nguyên số tại Tổng cục Thể dục thể thao.
Giai đoạn này sẽ tập trung ứng dụng công nghệ mới trong việc khai thác, phân tích, giám sát, dự báo, hỗ trợ các cấp quản lý ra quyết định, cải thiện hiệu suất, thành tích VĐV đồng thời cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng (OTT) cũng như hỗ trợ cảnh báo gian lận, tiêu cực và tạo lập môi trường làm việc số, hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực TDTT.
Hoàn thành Dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ VHTTDL là trong quý I/2023
Tại buổi làm việc giữa Tổng cục TDTT và Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông – Tập đoàn VNPT về Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 2/2 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, về lĩnh vực TDTT, liên quan đến vấn đề Chuyển đổi số, ngành thể thao đã thực hiện việc này cách đây khoảng gần 20 năm. Trong thời gian đó, lãnh đạo ngành TDTT cùng các khối trường TDTT đã làm việc với trung tâm thông tin và xây dựng nền tảng Chuyển đổi số đầu tiên của thể thao Việt Nam.
Xây dựng lộ trình tuyển chọn VĐV kế cận phải đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương
Cùng thời điểm đó, ngành thể thao đã thành lập trung tâm thông tin TDTT và đã bước đầu cho các hoạt động liên quan đến vấn đề về tích hợp dữ liệu của VĐV như đánh giá, so sánh thành tích của các VĐV trong và ngoài nước… để có hoạch định chiến lược, tính toán phát triển những môn thể thao trọng điểm hướng tới đạt thành tích cao trong khu vực ĐNÁ cũng như Châu Á, thế giới. Trong thời gian tới cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.
Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh, Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT mang nội hàm rộng với nhiều nội dung mới và rất khó, đồng thời nhấn mạnh về tính cấp thiết phải chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, đào tạo nhằm nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn tới.
“Cần xây dựng lộ trình tuyển chọn VĐV kế cận đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu, không theo một tiêu chí chung nào” – Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt nói.
Tổng cục trưởng giao Trung tâm Thông tin TDTT tiếp tục phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan để khảo sát, lấy ý kiến đóng góp cho đề án; Phối hợp cùng đơn vị tư vấn giải pháp hoàn chỉnh lại Dự thảo đề án; báo cáo trực tiếp lãnh đạo Tổng cục và các thành viên trong Ban soạn thảo xem xét trong thời gian sớm nhất. Thời hạn hoàn thành Dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ VHTTDL là trong quý I/2023.
Nguồn: Bạch Dương-https://toquoc.vn/