NCS Phùng Xuân Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Trường

Tin tức

14.07.2017

Chiều ngày 14/7 tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh Phùng Xuân Dũng về đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT ngoại khoá cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội” chuyên ngành Giáo dục Thể chất, mã số 62140103
NCS Phùng Xuân Dũng báo cáo luận án trước hội đồng (ảnh Hải An)
 

   Đến dự buổi bảo vệ Luận án của NCS Phùng Xuân Dũng  có: GS.TS. Nguyễn Xuân Sinh – Cán bộ hướng dẫn 1, PGS.TS. Phạm Xuân Thành – Cán bộ hướng dẫn 2; PGS.TS. Vũ Chung Thủy – Phó hiệu trưởng trường Đại học TDTT Bắc Ninh, TS. Trương Anh Tuấn – Nguyên vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban Tuyên giáo trung ương, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh…. cùng các nhà khoa học, gia đình và bạn bè của NCS Phùng Xuân Dũng.

            Hội đồng chấm Luận án cho NCS Phùng Xuân Dũng  gồm 7 thành viên: GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Uỷ viên thư ký; GS.TS. Lưu Quang Hiệp – Phản biện 1; TS. Lê Anh Thơ – Phản biện 2; TS. Hoàng Công Dân – Phản biện 3; TS. Nguyễn Văn Thời – Uỷ viên; PGS.TS. Đặng Thị Hồng Nhung – Uỷ viên.

            Sau 4 năm tiến hành nghiên cứu (từ 2012 – 2016) công trình nghiên cứu của NCS Phùng Xuân Dũng đã hoàn thành. Luận án được trình bày trong 160 trang đánh máy khổ A4, chưa kể các phần mục lục và tài liệu tham khảo, bao gồm  phần mở đầu và 03 chương, kết luận và kiến nghị. Luận án đã sử dụng 53 biểu bảng, 7 biểu đồ và 92 tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Đề tài sử dụng 7 phương pháp nghiên cứu. Địa điểm nghiên cứu được tiến hành tại: Trường Đại học TDTT Bắc Ninh và Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội;

            Quá trình nghiên cứu của luận án đã xác định được:

            1. Luận án đã đánh giá được thực trạng hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn về số lượng, chất lượng giáo viên hướng dẫn tập luyện TDTT ngoại khóa và kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, sân bãi dụng cụ, phục vụ hoạt động TDTT ngoại khóa. Về nội dung, hình thức và hình thức tổ chức tập luyện TDTT ngoại khóa cũng chưa đáp ứng được nguyện vọng cũng như nhu cầu của sinh viên. Đặc biệt tính chuyên cần tập luyện TDTT ngoại khóa thì chưa cao, chưa trở thành thói quen thường xuyên trong sinh viên.

            2. Luận án đã lựa chọn và xây dựng được các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT ngoại khóa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội:

            Giải pháp 1: Đổi mới hình thức tập luyện TDTT ngoại khóa cho sinh viên trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội, với 02 hình thức là đội tuyển và CLB với hình thức tổ chức tập luyện có người hướng dẫn thường xuyên.

            Giải pháp 2: Đổi mới nội dung tập luyện Thể dục thể thao ngoại khóa gồm: Bóng đá, Tenis, Cầu lông, Điền kinh, bơi lội, khiêu vũ thể thao, Bóng chuyền.

            Giải pháp 3: Nâng cao chất lượng đối với giáo viên, người hướng dẫn và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT ngoại khóa

            3. Luận án đã ứng dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT ngoại khóa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, vào thực tiễn bước đầu đã đem lại kết quả rõ rệt về phát triển phong trào tập luyện TDTT ngoại khóa, nâng cao thể lực và kết quả học tập các môn thực hành cũng như kết quả thi đẳng cấp của nhóm thực nghiệm cao hơn hẳn so với nhóm đối chiếu, ở ngưỡng xác xuất P<0.05. Điều đó cho thấy, 3 giải pháp mà đề tài ứng dụng đã đảm bảo tính khoa học, độ tin cậy trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung của nhà trường và công tác TDTT ngoại khóa nói riêng.

            Kết quả trên là những đóng góp mới có giá trị về mặt khoa học, xã hội nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội nói riêng

Hội đồng chấm luận án NCS Phùng Xuân Dũng (ảnh Hải An)

            Từ những kết quả nghiên cứu đã đạt được của Luận án, có thể thấy rằng đề tài Luận án Tiến sĩ của NCS. Phùng Xuân Dũng  tuy còn có những khiếm khuyết. Nhưng kết quả nghiên cứu đạt được của Luận án mang tính cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn. Các thiếu sót của Luận án sẽ chỉnh sửa, bổ sung. Nội dung và hình thức của Luận án đã đảm bảo theo đúng yêu cầu của một Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục chuyên ngành GDTC.

            Kết quả, Luận án đã được 7/7 thành viên hội đồng thông qua với 100% số phiếu tán thành của thành viên Hội đồng.

                                                                                                      Xuân Đặng