Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tổ chức bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Trường cho NCS Nguyễn Thị Hiền Thanh
09.10.2015
Đến dự buổi bảo vệ có các thành viên Hội đồng chấm luận án, đại diện Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, đại diện Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nơi NCS công tác, cán bộ hướng dẫn, các TS và NCS đang học tập và công tác tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh, cùng gia đình và bạn bè của NCS Nguyễn Thị Hiền Thanh.
Tân TS. Nguyễn Thị Hiền Thanh tặng hoa cho NGƯT.GS.TS Nguyễn Đại Dương
Luận án của NCS Nguyễn Thị Hiền Thanh với tên: “Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại một số câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh”, được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Huỳnh Trọng Khải – hướng dẫn 1 và GS.TS. Dương Nghiệp Chí – hướng dẫn 2. Hội đồng chấm luận án gồm có: NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Chủ tịch hội đồng; TS. Nguyễn Văn Phúc – Uỷ viên thư ký; PGS.TS. Phạm Đình Bẩm – phản biện 1; PGS.TS. Lương Kim Chung – Phản biện 2; TS. Đặng Hà Việt – Phản biện 3; GS.TS. Lê Qúy Phượng – Uỷ viên; TS. Lê Đức Chương – Uỷ viên. Luận án nghiên cứu đạt được các kết quả cơ bản như:
1. Trên cơ sở hệ thống hóa lý luận đánh giá hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ TDTT, đã xác định được giữa chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh có mối quan hệ phụ thuộc.
Vận dụng mô hình thang đo chất lượng dịch vụ SERVQUAL kết hợp với mô hình GRONROOS, luận án đã xây dựng mô hình nghiên cứu giả thuyết thang đo chất lượng dịch vụ TDTT cho các CLB TDTT quần chúng ở Tp.HCM gồm 6 thành phần: Phương thức kinh doanh (Độ tin cậy); Nguồn lực TDTT (Sự Đáp ứng + Năng lực); Chất lượng cung ứng dịch vụ (Sự Đồng cảm); Hệ thống cơ sở vật chất (Tính hữu hình), Chất lượng kỹ thuật và Chất lượng chức năng.
2. Kết quả phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ tại một số CLB TDTT quần chúng ở Tp.HCM cho thấy: Tỷ lệ người tham gia tiêu dùng TDTT ở cả 2 loại hình có tăng nhưng không đáng kể chiếm tỷ lệ tương đương nhau. Hệ thống CSVC – kỹ thuật TDTT của Thành phố trong thời gian qua dù có tăng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của Thành phố.
Các hình thức hoạt động TDTT quần chúng của người dân ở Tp.HCM khá phong phú, đa dạng ở các môn và cả hình thức tập luyện TDTT. Với 16 động cơ được khảo sát cho thấy những động cơ thuộc nhóm tăng cường sức khỏe chiếm tỷ lệ cao, trong đó yếu tố “Tăng cường sức khỏe” là mục tiêu quan trọng nhất. Các yếu tố cản trở hoạt động TDTT của người tiêu dùng TDTT nhiều nhất là “Không có thời gian tập” và “Áp lực công việc”
Thông qua việc so sánh hiệu quả kinh doanh dịch vụ TDTT giữa 2 loại hình, kết quả cho thấy các CLB TDTT thuộc loại hình Tự hạch toán kinh doanh có hiệu qủa hơn các CLB TDTT thuộc loại hình Sự nghiệp.
Trên cơ sở tích hợp 2 mô hình thang đo chất lượng dịch vụ SERVQUAL & GRONROOS, luận án đã xây dựng được thang đo riêng cho việc đánh giá chất lượng dịch vụ TDTT tại một số CLB TDTT quần chúng ở Tp.HCM bao gồm 03 thành phần: Phương thức kinh doanh, Chất lượng cung ứng dịch vụ và Chất lượng kỹ thuật với 12 tiêu chí.
Đánh giá thực trạng về môi trường kinh doanh dịch vụ TDTT tại một số CLB TDTT quần chúng thông qua việc thiết lập ra ma trận TOWS với 4 hướng chiến lược kinh doanh đã được đề xuất.
3. Bằng cách phân tích các mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ hiện hành và kết hợp đánh giá thực tiễn định hướng chiến lược các giải pháp kinh doanh dịch vụ TDTT, 06 giải pháp với 26 biện pháp nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ cho một số CLB TDTT quần chúng ở Tp.HCM đã được đề xuất.
Sau thời gian làm việc tập trung, nghiêm túc với nhiều vấn đề được thảo luận, nhiều câu hỏi của Hội đồng được NCS làm rõ, Hội đồng đã thông qua Quyết nghị, trong đó đề nghị Trường Đại học TDTT Bắc Ninh công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho NCS Nguyễn Thị Hiền Thanh với số phiếu tán thành 7/7.
Toàn cảnh buổi bảo vệ
NCS Nguyễn Thị Hiền Thanh là cán bộ Quyền Trưởng khoa Giáo dục Thể chất và Quốc phòng An ninh Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Với những thành tích bước đầu đạt được trong khoa học, Nhà trường chúc tân TS. Nguyễn Thị Hiền Thanh phát huy được năng lực và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng như sự phát triển của nền khoa học TDTT nước nhà.