BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐH TDTT BẮC NINH KHÓA 28 NHIỆM KỲ 2022 – 2024

Đoàn thanh niên

30.08.2024

TS. Nguyễn Hữu Hùng – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh

Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh

Email: nguyenhuuhung@upes1.edu.vn

ThS. Phạm Hải Bình – Phó Bí thư Đoàn trường 

Email: Phamhaibinh@upes1.edu.vn

CN. Lương Văn Tùng – Phó Bí thư Đoàn trường

Email: luongvantung@upes1.edu.vn

DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG KHÓA 28 NHIỆM KỲ 2022 – 2024

STT

Họ và tên Chức vụ Ghi chú
1 Nguyễn Hữu Hùng Bí thư
2 Phạm Hải Bình Phó Bí thư
3 Lương Văn Tùng Phó Bí thư
4 Nguyễn Sơn Uỷ viên Ban chấp hành
5 Phạm Văn Tuân Uỷ viên Ban chấp hành
6 Đặng Thị Thu Thủy Uỷ viên Ban thường vụ
7 Đồng Nguyệt Thư Uỷ viên Ban chấp hành
8 Nguyễn Ngọc Ánh Uỷ viên Ban thường vụ
9 Nguyễn Thế Thuyên Uỷ viên Ban chấp hành
10 Trần Đức Nam Uỷ viên Ban thường vụ
11 Lê Thị Thanh Thảo Uỷ viên Ban thường vụ
12 Nguyễn Quốc Việt Uỷ viên Ban chấp hành
13 Nguyễn Thị Thu Hằng Uỷ viên Ban chấp hành
14 Quàng Thanh Hiền Uỷ viên Ban chấp hành
15 Đào Kim Khánh Uỷ viên Ban chấp hành
16 Nguyễn Đăng Thắng Uỷ viên Ban chấp hành
17 Hoàng Trung Kháng Uỷ viên Ban chấp hành
18 Nguyễn Thị Thùy Linh Uỷ viên Ban chấp hành
19 Phạm Khánh Ly Uỷ viên Ban chấp hành
20 Phạm Linh Nga Uỷ viên Ban chấp hành
21 Giàng A Hử Uỷ viên Ban chấp hành

PHẦN I

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TẬP THỂ

 

  1. Ban Chấp hành Đoàn trường

            Ban Chấp hành Đoàn trường là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học TDTT Bắc Ninh giữa hai kỳ Đại hội, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo Nhà trường và Tỉnh Đoàn Bắc Ninh; có nhiệm vụ lãnh đạo toàn bộ công tác Đoàn và phong trào thanh niên bằng Nghị quyết của hội nghị toàn thể Ban Chấp hành và thông qua hoạt động của Ban Thường vụ Đoàn trường.

            Trách nhiệm trên đây được thể hiện bằng việc quán triệt và vận dụng đường lối công tác thanh niên của Đảng, các Nghị quyết của Đảng uỷ Nhà trường, của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đoàn trường lần thứ XXVII đề ra phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp phù hợp, kịp thời để triển khai thực hiện. Phối hợp với các phòng ban chức năng giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

            Những vấn đề nhất thiết phải đưa ra tập thể Ban Chấp hành thảo luận và quyết định bao gồm:

            – Đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh niên, phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của từng học kỳ và năm học.

            – Quán triệt và bàn biện pháp thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ trường, của Tỉnh đoàn.

            – Chuẩn bị và triệu tập Đại hội đại biểu Đoàn trường, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh theo quy định của Điều lệ Đoàn.

            – Kiểm tra và đánh giá tình hình hoạt động của Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra Đoàn trường.

            – Sơ kết, tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành tự phê bình và phê bình định kỳ hàng năm.

            – Điều chỉnh hoặc bãi bỏ những quyết định của Ban Thường vụ Đoàn trường, Đoàn cấp dưới trái với nghị quyết của Đoàn cấp trên, Đại hội Đoàn trường và của Ban Chấp hành Đoàn trường.

  1. Ban Thường vụ Đoàn trường

            Ban Thường vụ Đoàn trường thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành, có trách nhiệm và quyền hạn:

            – Cụ thể hoá và tổ chức chỉ đạo, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ trường, của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn và của Ban Chấp hành Đoàn trường. Kiểm tra, đôn đốc toàn diện các mặt công tác của Đoàn.

            – Thường xuyên tham mưu, báo cáo đề xuất kịp thời các chủ trương công tác Đoàn, công tác thanh niên, công tác sinh viên với Đảng uỷ Nhà trường và Tỉnh Đoàn.

            – Chuẩn bị nội dung và triệu tập các kỳ hội nghị Ban Chấp hành Đoàn trường, báo cáo cho Ban Chấp hành những hoạt động của Ban Thường vụ giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.

           – Xét khen thưởng, kỷ luật đối với tổ chức Đoàn hoặc tập thể và cá nhân cán bộ Đoàn trong phạm vi quyền hạn quy định.

           – Xét, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.

  1. Thường trực Đoàn trường

            Ban Thường vụ Đoàn trường giao cho Thường trực (gồm Bí thư và các Phó Bí thư) thay mặt Ban Thường vụ giải quyết công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ, có nhiệm vụ và quyền hạn:

            – Chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Ban Thường vụ Đoàn trường, tham mưu cho Ban Thường vụ chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Ban Chấp hành.

            – Tuỳ tính chất công việc và nội dung công tác để ra các kết luận, thông báo, kế hoạch, báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn trường cho Đảng uỷ Nhà trường, Tỉnh Đoàn và cấp dưới.

            – Trực tiếp chỉ đạo công việc hàng ngày phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường, giữ mối quan hệ thường xuyên với Tỉnh đoàn, Đảng uỷ trường, các đơn vị trong trường và Đoàn cấp dưới.

PHẦN II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁ NHÂN

 

  1. Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường

            – Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đường lối, chính sách công tác thanh niên, nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đoàn cấp trên, của Đại hội Đoàn trường và thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên, tham gia có hiệu quả vào các quyết định của Ban Chấp hành Đoàn trường, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành về lĩnh vực và đơn vị mình phụ trách.

            – Được chất vấn và được trả lời về các công việc của Ban Thường vụ và của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành.

            – Được thông tin về tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong nước, trong tỉnh và trong trường.

  1. Bí thư Đoàn trường

            Đồng chí Bí thư Đoàn trường là người chủ trì công việc của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ, có trách nhiệm và quyền hạn:

            – Nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ, của Tỉnh Đoàn, quán triệt trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường để vận dụng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với Đảng uỷ trường và Tỉnh Đoàn.

            – Đại diện cho tổ chức Đoàn quan hệ và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường, liên hệ với cấp uỷ các khoa và cơ sở để tạo ra sự phối hợp chặt chẽ trong công tác Đoàn, công tác thanh niên, phong trào sinh viên.

            – Chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Đại hội đại biểu, chủ trì các kỳ họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

            – Chỉ đạo việc tổng kết các mặt công tác lớn của công tác Đoàn và phong trào thanh niên, ký các nghị quyết và các văn bản quan trọng của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Đoàn trường.

            – Đồng chí Bí thư Đoàn trường là thủ trưởng cơ quan Đoàn trường.

            – Trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ, thi đua, xây dựng Đảng, tài chính.

  1. Phó Bí thư Đoàn trường

            – Tổ chức quán triệt, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đoàn cấp trên, của Đảng uỷ trường và Ban Chấp hành Đoàn trường theo mảng hoạt động được phân công, kịp thời phát hiện, đề xuất với đồng chí Bí thư và Ban Thường vụ Đoàn trường những vấn đề cần giải quyết.

            – Chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Xây dựng chương trình công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, chỉ đạo thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.

            – Giữ quan hệ phối hợp giữa tổ chức Đảng, đoàn thể với chuyên môn của Đoàn trường.

            – Chủ trì các kỳ họp giao ban, các ban của Đoàn trường.

            – Thay Bí thư khi Bí thư đi vắng, ký các quyết định, chỉ thị, thông tri, báo cáo và một số văn bản khác của Ban Thường vụ Đoàn trường. Giải quyết một số công việc của đồng chí Bí thư khi được uỷ nhiệm.

  1. Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường

            – Được phân công trực tiếp phụ trách một lĩnh vực công tác, một số đơn vị, có trách nhiệm cùng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành và tổ chức Đoàn trực thuộc giúp Ban Thường vụ theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đoàn cấp trên.

            – Tham gia đầy đủ các kỳ họp và đóng góp vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Thường vụ; chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Đoàn vào lĩnh vực mình phụ trách.

            – Thường xuyên phản ánh với đồng chí Bí thư và các đồng chí Phó Bí thư Đoàn trường về tiến độ công tác do mình phụ trách, đồng thời đề xuất những vấn đề cần giải quyết.

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ có thể được Thường trực Đoàn trường uỷ nhiệm giải quyết một số công việc đột xuất.

PHẦN III

MỐI QUAN HỆ GIỮA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ

VỚI CÁC BAN CỦA ĐOÀN TRƯỜNG, CÁC LIÊN CHI ĐOÀN

VÀ CHI ĐOÀN TRỰC THUỘC

  1. Các ban và Văn phòng Đoàn trường

            – Các ban của Đoàn trường là bộ phận tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường, đặt dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Đoàn trường, có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ triển khai kế hoạch hoạt động, chương trình công tác trong một lĩnh vực cụ thể. Chuẩn bị nội dung sơ kết, tổng kết khi Ban Thường vụ yêu cầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của ban.

            – Văn phòng Đoàn trường có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ điều hành công việc hàng ngày, là trung tâm thông tin tổng hợp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giúp quản lý, điều hành tốt về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện… phục vụ các hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các ban của Đoàn trường. Được thừa lệnh Ban Thường vụ Đoàn trường ký các văn bản như: Báo cáo hàng quý, hàng tháng, công văn nhắc nhở cấp dưới, thông báo, hướng dẫn, giấy mời, thư điện trả lời… và các loại văn bản hành chính, nghiệp vụ khác theo quy định.

  1. Các liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc

            – Ban Thường vụ và Thường trực Đoàn trường thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các Đoàn trực thuộc, định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành giao ban sơ kết, tổng kết.

            – Ban Chấp hành các liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc phải chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường về toàn bộ các mặt công tác Đoàn và phong trào thanh niên của đơn vị, đảm bảo đúng chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc có vấn đề nảy sinh cần xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Đoàn trường.

  1. Các đơn vị trong trường

            – Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường có trách nhiệm phối hợp cùng các đơn vị trong trường để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên, nhằm thực hiện đường lối thanh vận của Đảng, tiến hành xã hội hoá công tác thanh niên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

            – Trên các mặt hoạt động cụ thể, Ban Thường vụ tiến hành phối hợp với các ban ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

  1. Hội sinh viên trường

            Ban Thường vụ Đoàn trường có quy chế làm việc riêng (phù hợp với Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Điều lệ Hội sinh viên Việt Nam và thực tiễn hoạt động).

 

 PHẦN IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC

 Hội nghị và ra quyết định

            1.1. Họp định kỳ

            – Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn trường do Ban Thường vụ triệu tập, thường kỳ một tháng một lần.

            – Ban Thường vụ Đoàn trường họp một tháng một lần do Thường trực Đoàn trường quyết định triệu tập. Khi cần thiết có thể họp bất thường.

            – Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng với các ban, Bí thư các liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc, chủ trì các câu lạc bộ, đội, nhóm.v.v… do Ban Thường vụ Đoàn trường quyết định.

            1.2. Chuẩn bị hội nghị

            – Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, chương trình công tác hàng năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và tình hình thực tế, Ban Thường vụ và Thường trực Đoàn trường có trách nhiệm xác định, lựa chọn các vấn đề cần thiết để đưa ra thảo luận và quyết định trong hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường.

            – Thường trực Đoàn trường chuẩn bị trước những nội dung đưa ra hội nghị Ban Thường vụ, Ban Thường vụ chuẩn bị trước những nội dung đưa ra hội nghị Ban Chấp hành Đoàn trường.

                       1.3. Tiến hành hội nghị và ra quyết định

            – Hội nghị làm việc đúng giờ, đúng nội dung chương trình và chế độ quy định. Các đồng chí dự họp phát biểu ngắn gọn, nêu rõ chính kiến, dành thời gian lấy ý kiến rộng rãi các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành dự hội nghị, nhằm phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể. Khi kết luận lấy biểu quyết theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

            – Căn cứ vào kết luận của hội nghị, Ban Thường vụ có trách nhiệm hoàn thành dự thảo văn bản, nghị quyết. Văn phòng Đoàn trường có trách nhiệm chỉnh lý, trình Thường trực phát hành kịp thời.

  1. Ban hành văn bản

            – Căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị, thông tri của Đoàn cấp trên, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường ra các chỉ thị, thông tri để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

            – Những vấn đề chung hoặc đột xuất cần thiết thì do Văn phòng chuẩn bị. Những văn bản cần phải do tập thể Ban Thường vụ xét duyệt thì Văn phòng bố trí chương trình đưa ra hội nghị thảo luận, quyết định hoặc gửi văn bản xin ý kiến. Qua kỳ hạn đồng chí nào không trả lời coi như đã nhất trí. Căn cứ vào ý kiến bổ sung Thường trực chỉnh lý lần cuối để phát hành.

  1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết

            – Các nghị quyết Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải kèm theo chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện.

            – Nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về mặt công tác nào, Ban Thường vụ giao cho đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ phụ trách công tác ấy quán triệt triển khai thực hiện. Đối với những nghị quyết quan trọng thì Thường trực mở hội nghị cán bộ để truyền đạt. Đối với các chỉ thị, nghị quyết về các lĩnh vực công tác cụ thể thì gửi văn bản để cấp dưới nghiên cứu thi hành.

            – Tuỳ theo yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ và Thường trực Đoàn trường có chương trình kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị. Sau khi kiểm tra có thông báo để kịp thời phát huy những kinh nghiệm tốt, sửa chữa, uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc.

            – Những nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành đều phải có sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhằm rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh kịp thời những vấn đề cần thiết.

  1. Chế độ làm việc của Thường trực

            – Thường trực Đoàn trường có chế độ hội ý thường xuyên để giải quyết công việc hàng ngày, nhất là những việc đột xuất quan trọng do Văn phòng Đoàn trường đề xuất.

            – Hàng tuần, Thường trực làm việc tập thể một lần để nghe báo cáo tình hình công việc trong tuần. Giải quyết các vấn đề cần thiết và bàn công việc của tuần tiếp theo. Khi cần có thể mời một số Uỷ viên Ban Thường vụ hoặc các đồng chí liên quan cùng dự.

  1. Chế độ thông tin và học tập

            – Ban Thường vụ Đoàn trường có trách nhiệm tổ chức thông tin đầy đủ, kịp thời cho các Uỷ viên Ban Chấp hành về tình hình và nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên để tạo điều kiện cho các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành tham gia vào sự lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành.

            – Hàng tháng Văn phòng Đoàn trường gửi báo cáo tóm tắt các vấn đề đáng chú ý về tình hình công tác lên Văn phòng Tỉnh Đoàn, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, thông báo lịch công tác cho các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành, các liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc.

            – Trong các kỳ họp của Ban Thường vụ, Thường trực Đoàn trường báo cáo công việc mà Thường trực đã giải quyết giữa hai kỳ họp cho Ban Thường vụ.

            – Trong các kỳ họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn trường báo cáo tình hình chung và những công việc đã giải quyết của Ban Thường vụ Đoàn trường giữa hai kỳ hội nghị.

            – Mỗi đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành căn cứ theo yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện công tác xây dựng kế hoạch học tập, công tác của cá nhân, có biện pháp phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch đó.

            – Ban Thường vụ Đoàn trường xem xét kế hoạch của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo điều kiện, khả năng và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

  1. Chế độ quản lý cán bộ

            – Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường và Bí thư các liên chi đoàn có trách nhiệm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ kế cận và cung cấp cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp.

            – Ban Thường vụ Đoàn trường ra quyết định công nhận Ban Chấp hành các liên chi đoàn, các chi đoàn sau các kỳ đại hội. Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư, Uỷ viên Ban Thường vụ liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc do tập thể Ban Thường vụ Đoàn trường bàn bạc và quyết định công nhận.

            – Mọi việc tuyển dụng, đề bạt, đào tạo, bố trí hay thuyên chuyển công tác; khen thưởng, kỷ luật của cán bộ thuộc cơ quan Đoàn trường thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ trường.

  1. Chế độ tự phê bình và phê bình

            – Ban Thường vụ 6 tháng một lần, Ban Chấp hành 1 năm một lần tiến hành tự phê bình và phê bình. Hàng năm gắn với tổng kết để phát động cơ sở, cấp liên chi đoàn tham gia góp ý kiến cho tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cá nhân, từ đó Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có sự kiểm điểm nghiêm túc.

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành cần phải thường xuyên tham gia sinh hoạt và nêu gương tốt về mọi mặt trong tổ chức cơ sở nơi mình công tác. Phục tùng sự phân công, sự kiểm tra công tác và quản lý của tổ chức cơ sở.

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường phải chủ động và thường xuyên góp ý kiến trên tinh thần xây dựng khi đồng chí mình có khuyết điểm.

  1. Chế độ phát ngôn và giữ gìn bí mật

            – Khi đã trở thành nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thì mọi Uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải nói và làm theo đúng tinh thần nghị quyết, không nói và làm theo ý kiến của riêng mình.

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành phải giữ đúng quy định về bảo vệ bí mật các văn bản, nội dung bàn bạc trong hội nghị có yêu cầu bí mật. Nhận và trả lại đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn các tài liệu có quy định phải thu hồi.

  1. Khen thưởng và kỷ luật

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành vắng 3 kỳ họp liên tục mà không có lý do chính đáng thì xoá tên trong Ban Chấp hành.

            – Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành vắng mặt trong các cuộc họp, hội nghị quan trọng do Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường triệu tập mà không có lý do chính đáng thì đồng chí Bí thư sẽ thông báo với Đảng uỷ Nhà trường và đơn vị công tác của đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành.

            – Căn cứ vào tổ chức và phong trào nơi mà Uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và xem xét khen thưởng hay kỷ luật Uỷ viên Ban Chấp hành.