Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về vị trí vai trò của Thể Dục Thể Thao

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân dân. Thể dục thể thao là một trong những lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chỉ đạo, xây dựng và phát triển ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công và trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thể dục thể thao là một công tác cách mạng”, tức là Người đã đặt thể dục thể thao ngang hàng với các công tác khác, như công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, công tác văn hoá, giáo dục… Công tác thể dục thể thao có nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động thể dục thể thao, ngay sau khi đất nước giành được độc lập ngày 31-1-1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành thể dục thể thao ngày nay. Và ngày 27-3-1946, Người ký tiếp Sắc lệnh số 33, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Cũng trong tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, chỉ ra mục đích, tính chất của phong trào thể dục thể thao, của nền thể dục thể thao Việt Nam mới. Tháng 5-1946, Người đích thân phát động phong trào “Khoẻ vì nước”… Những việc làm thiết thực trên cho thấy, Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền thể dục thể thao của nước Việt Nam mới.

1. Vai trò của sức khoẻ đối với con người

Trước kia, dân ta thường quan niệm về sức khoẻ rất giản dị, mộc mạc, như “sức dài vai rộng”, “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, “trông cho chân cứng đá mềm”, “không ốm đau làm giàu mấy chốc”, v.V.. Từ bao đời nay, nhân dân ta rất chuộng những người có sức khoẻ, siêng năng, chăm chỉ lao động, ghét những kẻ lười biếng, sợ chân lấm tay bùn.

Nhà danh y lớn của Việt Nam thế kỷ 18 – Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã viết trong cuốn sách “Nội kim yếu chỉ” rằng: “Thể chất và tinh thần luôn luôn khang kiện, mà tận hưởng hết tuổi thọ, ngoài trăm tuổi mới có thể chết”. Tư tưởng đó của ông thể hiện cách xem xét sức khoẻ của con người trong mối quan hệ hữu cơ giữa thể chất và tinh thần. Cơ thể khoẻ mạnh thì tinh thần mạnh mẽ. Cả thể chất và tinh thần khoẻ mạnh thì tuổi thọ của con người cũng sẽ dài lâu.

Y học ngày nay cũng khẳng định sức khoẻ của con người phải là sức khoẻ của cả thể xác và tinh thần. Chỉ khi nào cơ thể của con người lành mạnh, tâm hồn thoải mái thì khi đó con người mới có sức khoẻ.

Định nghĩa về sức khoẻ của Tổ chức Y tế thế giới WHO (World healthe organization) được nêu trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 như sau: “Sức khoẻ không chỉ là không bệnh tật, mà còn là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”.

Trong bài “Sức khoẻ và thể dục” (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa về sức khoẻ như sau: “Sức khoẻ là khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ”. Khí huyết lưu thông giúp cho cơ thể khoẻ mạnh, không có bệnh tật, không ốm đau; tinh thần đầy đủ sẽ giúp cho con người năng động, hăng hái, có ý chí, có nghị lực để hoàn thành tốt công việc. Người coi sức khoẻ của con người là sự thống nhất giữa thể chất và tinh thần. Thể chất lành mạnh thì tinh thần sung mãn; tinh thần hăng hái, năng động thể hiện thể chất tốt, lành mạnh. Cơ thể tốt, tinh thần tốt có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và thống nhất biện chứng với nhau. Định nghĩa về sức khoẻ của Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng hết sức súc tích rõ ràng, mang tính nhân văn sâu sắc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khoẻ có vai trò to lớn trong cuộc sống của mỗi con người, của mỗi dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong việc xây dựng con người mới xã hội mới. Người nhận định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”. Sức khỏe của con người là nhân tố cơ bản góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về thể lực trong cách mạng, đưa đến những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nhân dân ta ai cũng có sức khỏe ai cũng đều khỏe mạnh. Con người có sức khỏe thì sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn; con người có sức khỏe thì năng động, hoạt bát hơn trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; con người có sức khỏe thì trí tuệ có điều kiện phát triển phong phú hơn. Người nhận định: “Muốn lao động, sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần phải có sức khỏe. Sức khỏe của con người có ảnh hưởng lớn đến tinh thần và lực lượng của toàn dân, Người nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chân lý “Dân cường thì nước thịnh”. “Dân cường” chính là sức khỏe của nhân dân cả về thể chất lẫn tinh thần; “nước thịnh” là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người Việt Nam ta ai cũng muốn có sức khỏe để làm việc, để cống hiến, để hưởng thụ; ai cũng muốn đất nước thịnh vượng, giàu có, nhân dân được sống yên ổn, mới có điều kiện để phát triển một cách toàn diện.

2. Vai trò của thể dục thể thao đối với sức khỏe của con người

Trước kia, các danh y nước ta cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của vận động thân thể đối với sức khỏe con người. Tuệ Tĩnh khuyên mọi người muốn bảo dưỡng và tăng cường sức khỏe thì phải giữ gìn tinh, khí, thần, tâm và vận động thân thể thì con người mới khỏe mạnh. Hải Thượng Lãn Ông cũng nói lên sự cần thiết phải vận động thân thể để có sức khỏe như: luyện thân, luyện khí làm cho khí huyết lưu thông, chân tay cứng cáp, tinh thần thoải mái.

Các nhà sinh lý học cho rằng nếu con người ít vận động, sao nhãng luyện tập thể dục thể thao thì ở tuổi 30 có nguy cơ bị tổn thương ở khớp, tổn thương này tăng dần theo tuổi tác và sự suy thoái sẽ còn tăng nhanh đối với người không vận động và kéo theo sự già nua của cơ thể con người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể dục thể thao có tác dụng tăng cường sức đề kháng và năng lực thích ứng của cơ thể con người. Việc rèn luyện thân thể có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh rất tích cực, lấy lại sự cân bằng âm dương của cơ thể con người. Nếu con người không vận động, không rèn luyện thì khả năng thích nghi kém, tuổi thọ không thể kéo dài. Vận động và rèn luyện là để ngày càng hoàn thiện về thể chất, nâng cao thể lực, tinh thần thoải mái. Theo Người, rèn luyện thân thể kết hợp với giữ gìn vệ sinh càng có tác dụng trong việc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe con người. Khi cơ thể con người khỏe mạnh thì sẽ vượt qua và đẩy lùi được bệnh tật, chống trả được vi trùng xâm nhập vào cơ thể; khi cơ thể lành mạnh, tinh thần sung mãn thì con người sẽ thích ứng được với những điều kiện thời tiết thay đổi. Cơ thể tốt, thần kinh tốt, tinh thần tốt thì tránh được mọi bệnh tật. Chính vì vậy, Người yêu cầu: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân một phong trào thể dục vệ sinh”. Và Người đã phát động trong cả nước phong trào thể dục thể thao  khỏe vì nước”, “vệ sinh yêu nước”.

Ngoài việc tăng cường sức đề kháng và năng lực thích ứng của cơ thể con người, thể dục thể thao có vai trò to lớn trong việc nâng cao sức khỏe toàn diện cho con người. Sức khỏe toàn diện là sự phát triển đầy đủ các tố chất thể lực như: Sức nhanh, sức mạnh, sức bền bỉ dẻo dai và sự khéo léo. Những yếu tố này chỉ có thể đạt được nhờ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Khi con người có sức khỏe toàn diện thì sẽ nâng cao được năng lực thể chất. Năng lực thể chất có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, trong lao động, trong công tác và trong học tập. Có năng lực thể chất tốt sẽ giúp cho con người vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành tốt được mọi công việc. Muốn có năng lực thể chất tốt đòi hỏi con người phải có lòng kiên trì, phải có quyết tâm cao trong việc rèn luyện thân thể. Bản thân Người, có những lúc bị yếu mệt, nhưng Người vẫn cố gắng dậy vận động thân thể, tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng, hoặc đi bộ, tập leo núi…

Chính vì thể dục thể thao có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe con người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phong trào thể dục thể thao phải trở thành phong trào chung của toàn dân. Người kêu gọi toàn dân luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể, người khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia mọi công tác cách mạng. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe  tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Điều đó có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về sức khỏe của nhân dân, mà cả về vật chất và tinh thần của dân tộc.

                                                                         

PGS.TS. Phạm Hồng Chương

Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.