Giáo dục thể chất: Xóa định kiến môn phụ

Từ 14h30 – 16h, ngày 27/11, Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: Giáo dục thể chất – xóa định kiến môn phụ.

 

Chương trình có các khách mời:

* Ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

* PGS.TS  Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh.

* Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn – GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM).

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; đảm bảo phù hợp với tâm – sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể chất của học sinh.

Chương trình môn Giáo dục thể chất có tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của mỗi địa phương.

Đây cũng là môn học góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; giúp các em có ý thức, trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và thích ứng với điều kiện sống.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quan niệm: Giáo dục thể chất là môn học phụ, nên  có tình trạng “xem nhẹ” môn học này. Vậy làm thế nào để xóa bỏ định kiến môn phụ với Giáo dục thể chất. Các khách mời của chương trình sẽ giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của quý bạn đọc!

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi qua email: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo Giáo dục & Thời đại: www.fb.com/giaoducthoidai.

 

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Việc có sách giáo khoa đối với môn Giáo dục thể chất cũng là nâng cao vị thế của môn học này, tạo sự bình đẳng giữa các môn học? Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

thanhlong…@gmail.com

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Theo tôi, sách giáo khoa chỉ là tài liệu giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình môn học giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Còn việc nâng cao vị thế môn học này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò của môn học, sự quan tâm của xã hội, cũng như sự đầu tư về cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục thể chất trong trường phổ thông….

Em được biết, tới đây môn Giáo dục thể chất cũng có sách giáo khoa. Thầy nhận định như thế nào về việc này?

Dương Minh Tuấn, tỉnh Hải Dương

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Tôi cho rằng, việc có bộ sách giáo khoa về giáo dục thể chất là bước tiến mới. Đây là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất trong các trường phổ thông.

Tài liệu này sẽ giúp cho giáo viên tham khảo để soạn giáo án giảng dạy. Học sinh cũng có thể nắm được nội dung chương trình để có thể tự rèn luyện và tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa ngoài nhà trường.

Em muốn theo học ngành giáo dục thể chất để trở thành giáo viên thể dục. Xin thầy cho biết, em cần chuẩn bị những gì? Và đăng kí ở những trường nào?

Mạnh Tuấn – Bắc Ninh

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Cảm ơn em đã có ý định theo nghề sư phạm, đặc biệt là trở thành một giáo viên Thể dục.

Để nuôi dưỡng ước mơ này, khi còn ngồi trên ghế nhà trường thầy nghĩ ngoài việc học các môn để hoàn thành chương trình. Với sở trường là thể dục thể thao, em có thể tham gia các câu lạc bộ đội nhóm để phát triển bản thân, duy trì sức khoẻ và có những trải nghiệm, trau dồi thêm cho bản thân. Hoặc tham gia tập luyện sâu ở các trung tâm thể dục thể thao khác. Quan trọng là em phải chuẩn bị cho mình kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê đối với bộ môn này. 

Về trường học, em có thể đăng kí vào Trường ĐH Sư phạm, các trường ĐH, CĐ chuyên về Thể dục thể thao ở trong cả nước ví dụ như: Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh…

Đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã phát động 100% học sinh, sinh viên tập thể dục buổi sáng và giữa giờ nhằm tăng cường hoạt động thể chất trong nhà trường. Bộ cũng yêu cầu các nhà trường có các hình thức khuyến khích học sinh tham gia học bơi, các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ nhằm rèn thể lực, tăng chiều cao, rèn tinh thần đồng đội…. Theo ông, việc này có đủ khuyến khích phát triển phong trào TDTT trong trường học, có khiến học sinh yêu thích thể thao hơn không?

Minhtunguyen123@…

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và các hoạt động thể thao khác có nhiều tác dụng quan trọng, không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp học sinh giải trí, thư giãn sau những giờ học; tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường; giúp các em có tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% học sinh, sinh viên tập thể dục buổi sáng và giữa giờ nhằm tăng cường hoạt động thể chất trong nhà trường cũng như yêu cầu các nhà trường có các hình thức khuyến khích học sinh tham gia học bơi, các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ nhằm rèn thể lực, tăng chiều cao, rèn tinh thần đồng đội – là điều kiện rất tốt để phong trào TDTT trong trường học phát triển tốt hơn. Chỉ đạo của Bộ là yếu tố mang tính quyết định, là định hướng để các trường học, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện, tạo điều kiện khuyến khích phát triển phong trào TDTT trong trường học và khiến học sinh yêu thích thể thao hơn.

Em là học sinh nữ lớp 12. Em rất yêu thích thể dục thể thao và dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào trường của thầy nhưng bố mẹ em không tán thành vì cho rằng không phù hợp với nữ. Thầy cho em lời khuyên với ạ?

maihuong…@gmail.com

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Sinh viên nữ của trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh chiếm tỷ lệ khoảng 25%.

 

Thực tế ở Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh có rất nhiều sinh viên nữ. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên nữ của trường chiếm tỷ lệ khoảng 25%.

Một mặt có nhiều môn thể thao phù hợp với nữ, mặt khác nhiều đơn vị tuyển dụng chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp là nữ ở nhiều ngành như: Giáo dục thể chất, y sinh học thể dục thể thao, quản lý thể dục thể thao…

Theo tôi, nếu em thực sự có đam mê thể dục thể thao thì nên nói chuyện nghiêm túc và chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ về sở thích, nguyện vọng cũng như nghề nghiệp tương lai của mình.

Giáo dục thể chất là chân kiềng quan trọng trong giáo dục toàn diện học sinh. Vậỵ, theo ông Ban Giám hiệu các nhà trường cần làm gì để môn thể dục có thêm cơ hội khẳng định được vai trò của mình?

Vũ Thuý Hằng – Bắc Ninh

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trường học là môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi hoạt động giáo dục thể chất của trẻ em. Đặc biệt các trường ở cấp học tiểu học và trung học cơ sở là môi trường lý tưởng để khuyến khích tính tích cực và thói quen tập luyện hướng đến một lối sống năng động cho học sinh.

Những lợi ích của công tác giáo dục thể chất ở những năm học tiểu học và trung học cơ sở có tác động lâu dài.

Để môn học thể dục có thêm cơ hội khẳng định được vai trò của mình, theo tôi, Ban Giám hiệu các nhà trường cần chủ động và cuyết liệt hơn đối với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thực hiện nghiêm túc các quy định về nội dung, chương trình giảng dạy, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất); trong khả năng và điều kiện của trường, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa theo sở thích, tạo sự yêu thích, khích lệ tinh thần hăng say luyện tập TDTT của các em.

Qua quá trình giảng dạy, theo thầy đâu là những rào cản với việc phát triển, đẩy mạnh môn học này trong nhà trường?

Huongtra66@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Thực ra hiện vẫn có quan niệm môn chính-môn phụ, nên tự trong tiềm thức của nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí là cả bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên khác vẫn coi đây là môn phụ. Vậy làm sao để thay đổi nhận thức là một vấn đề rất quan trọng.

Rào cản từ cách nhìn nhận, nhận thức dẫn tới chưa thực sự chú trọng, đầu tư, quan tâm đúng mức tới bộ môn từ cơ chế, tới sân bãi, nhà thi đấu…

Ngoài ra, cũng có nhiều nơi, đối với học sinh giỏi các bộ môn văn hóa được khuyến khích, đầu tư và khen thưởng tuyên dương, nhưng với môn thể dục thì ít quan tâm hơn và chưa khích lệ được những học sinh có năng lực, sở trường ở bộ môn này.

Một vấn đề nữa, theo tôi rất quan trọng là giáo viên bộ môn cũng chưa thực sự đổi mới, vẫn còn sức ì.

Chỉ khi tự thân bộ môn này thay đổi, mỗi giáo viên thay đổi, khi đó mới có thể giúp bộ môn này phát triển, xoá bỏ định kiến môn chính-môn phụ.

Theo ông, gia đình có vai trò như thế nào trong việc xoá bỏ định kiến “thể dục là môn phụ”?

Ngô Hải Anh – TP. HCM

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Tôi cho rằng, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến “thể dục là môn phụ”. Gia đình có thể giúp con em mình nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện và nâng cao thể lực, tầm vóc thông qua các hoạt động TDTT, trả các chi phí cần thiết cho hoạt động giáo dục và rèn luyện thể chất của con em mình và động viên, khuyến khích con em mình tích cực tham gia các hoạt động TDTT.

Các thành viên trong gia đình giáo dục cho trẻ có được nhận thức đúng đắn về tác dụng của môn học thể dục và các hoạt động thể thao trong nhà trường đối với việc phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực cho con em mình.

Trẻ sẽ yêu thích rèn luyện TDTT nếu ông bà, cha mẹ, các thành viên lớn trong gia đình gương mẫu tham gia các hoạt động này và cùng nhau duy trì thói quen thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, phát triển tầm vóc, thể lực và phòng chống bệnh tật.

Các bậc phụ huynh nên đầu tư thời gian, kinh phí, mua sắm dụng cụ, trang phục, đưa đón con em mình tham gia các hoạt động TDTT theo sở thích, nguyện vọng và năng lực, tạo điều kiện cho con em được tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện và phát triển thể chất.

Hiện nay, việc học thể dục thể thao thông qua CLB năng khiếu tự chọn được nhiều trường thực hiện với hình thức xã hội hoá. Điều này có “hút” được học sinh tham gia hay không? Và hiệu quả như thế nào thưa thầy?

cuonglemlinh@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Nhiều trường học hiện nay đã thành lập các câu lạc bộ đội nhóm theo hình thức năng khiếu tự chọn và đã thu hút được đông học sinh tham gia. Vì với hình thức năng khiếu tự chọn, vừa giúp các em rèn luyện sức khoẻ, vừa theo đuổi đam mê, sở trường của mình, kết nối thêm nhiều bạn bè cùng sở thích. 

Phụ huynh họ cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Đồng thời đây cũng là cách để các nhà trường phát hiện các hạt giống, phát triển các CLB tiềm năng tham gia các phong trào thể dục thể thao của ngành. 

Về hiệu quả có thể thấy rõ nhất ở các kỳ Hội khoẻ phù đổng, các giải thể thao cấp Quận, thành phố, quốc gia. Đơn cử như mới đây là giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc 2020, TP.HCM dẫn đầu toàn đoàn với 50 huy chương Vàng, 34 huy chương Bạc, 31 huy chương Đồng. 

Với tư cách một nhà quản lý của đơn vị chuyên môn về thể dục thể thao, xin ông cho biết, Tổng cục TDTT có kế hoạch cụ thể gì để phối hợp với các nhà trường thúc đẩy phong trào TDTT trong các nhà trường?

Myanh678@…

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục TDTT đã chủ động tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phát triển TDTT trong trường học (trẻ em, học sinh, sinh viên được miễn, giảm giá vé dịch vụ tập luyện TDTT tại cơ sở thể thao; bổ sung chính sách nhà nước dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên TDTT cho các cấp học và trình độ đào tạo; quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; duy trì tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao trong trường học);  

Phối hợp với ngành GD&ĐT xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2015-NĐ-CP ngày 31/1/2015 quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; đang phối hợp xây dựng các thông tư quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường, thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường năng khiếu TDTT; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Thời gian tới, để thúc đẩy phong trào TDTT trong nhà trường, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2015-NĐ/CP; nghiên cứu ban hành các thông tư mới..), tạo hành lang pháp lý cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Xây dựng kế hoạch đưa các môn thể thao vào trường học; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, trường học phát triển câu lạc bộ các môn thể thao trong các trường phổ thông và tổ chức liên kết giữa các trường học phổ thông với các trung tâm thể dục thể thao, các câu lạc bộ thể thao ngoài trường học để tạo điều kiện cho học sinh được tập luyện, nâng cao trình độ môn các môn thể thao.

Phối hợp tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho giáo viên, giảng viên TDTT.

Phối hợp tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao trong trường học (Hội khỏe Phù đổng, các giải thể thao thường niên cho lứa tuổi học sinh).

Phối hợp triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng GDTC, hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa cho học sinh.

Chỉ đạo các cơ sở thể thao công lập thuộc sự quản lý của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định về miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ theo quy định.

Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu môn Giáo dục thể chất phải góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Trường ĐH Thể dục Thể thao cũng có ngành Giáo dục thể chất, vậy nhà trường có điều chỉnh chương trình đào tạo để bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông mới hay không, xin PGS cho biết cụ thể?

phamthanh…@gmail.com

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Đổi mới chương trình đào tạo ngành giáo dục thể chất được nhà trường thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa hàng năm để đáp ứng nhu cầu xã hội. Năm 2019, nhà trường đã ban hành 4 chương trình đào tạo: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT, Y sinh học TDTT.

Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất hoàn toàn bắt nhịp được những yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi theo học chương trình này, năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp không những đạt mà còn vượt cao hơn so với những yêu cầu của chương trình mới.

Chẳng hạn, số thời lượng dành cho môn thể thao chuyên ngành được nâng lên 24 tín chỉ tương ứng với 600 giờ, đồng thời đòi hỏi sinh viên phải đạt tối thiểu ở trình độ đẳng cấp 2 và hai đẳng cấp 3 ở các môn thể thao khác (Hệ thống phân loại đẳng cấp trong thể thao gồm: Cấp 6-5-4-3-2-1, dự bị kiện tướng, kiện tướng).

Ở những đô thị lớn, diện tích trường học bị thu hẹp, sân bãi, nhà thi đấu thiếu, sĩ số học sinh đông. Những điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc dạy học bộ môn thể dục?

lengocanh78@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Đối với môn thể dục rất cần có cơ sở vật chất như sân bãi, nhà thi đấu, hồ bơi… để triển khai các hoạt động cho học sinh tham gia. Nếu có sân tập, nhà thi đấu đảm bảo, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh bộ môn thể dục cũng như các hoạt động phong trào thể thao của nhà trường. 

Nếu cơ sở vật chất không đảm bảo cũng là một yếu tố tác động đến dạy học bộ môn này. Ví dụ, nhiều nơi không có hồ bơi, có sân bóng đá, nhà thi đấu… thì trường phải liên kết với các cơ sở thể thao gần trên địa bàn. Vấn đề này cũng phải tốn một phần kinh phí. Điều này cũng là một bài toán không hề dễ cho các nhà trường.

Theo ông, để giáo dục thể chất có chỗ đứng xứng đáng trong trường học và ý thức của học sinh, các nhà trường cần có hành động cụ thể gì?

Nguyễn Hải Ninh – Bắc Giang

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Để giáo dục thể chất có chỗ đứng xứng đáng trong trường học và ý thức của học sinh và không bị coi là “môn phụ”, theo tôi cần có sự thay đổi về nhận thức của gia đình và xã hội về vấn đề sức khỏe, vấn đề phát triển thể chất cho trẻ em, học sinh.

Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn rằng, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất cho con em mình cũng không kém phần quan trọng so với việc nâng cao kiến thức, tri thức văn hóa.

Từ những thay đổi về mặt nhận thức chúng ta mới có được sự thay đổi trong hành động. Những thay đổi về chính sách đối với công tác giáo dục thể chất (về nội dung, chương trình, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên thể dục…) cũng góp phần nâng cao vị thế môn học.

Với công tác giáo dục thể chất trong nhà trường, nội dung giáo dục hay cơ sở vật chất có vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của môn học, thưa ông?

Vinhphucle76@…

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Theo quan điểm của tôi, cả hai yếu tố trên đều rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của môn học giáo dục thể chất.

Nội dung giáo dục được xây dựng trên cơ sở yêu cầu về mục tiêu giáo dục của môn học, nhưng cơ sở vật chất lại là điều kiện đảm bảo quan trọng để thực hiện và hoàn thành các nội dung giáo dục đó.

Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh xét tuyển vào ngành Gáo dục thể chất những tổ hợp nào? Tuyển sinh năm 2021, tổ hợp xét tuyển này có thay đổi không, thưa thầy?

truongquan…@gmail.com

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

 

Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh xét tuyển vào ngành Giáo dục thể chất gồm các tổ hợp: T00 (Toán, Sinh, Năng khiếu); T05 (Ngữ văn, Giáo dục công dân, Năng khiếu 1); T01 (Toán, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3); M08 (Ngữ văn, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3). Trong đó: Năng khiếu 1 gồm Chạy 100m và Bật xa tại chỗ; Năng khiếu 2 là Bật xa tại chỗ; Năng khiếu 3 là Chạy 100m.

Tuyển sinh năm 2021 nhà trường cơ bản giữ nguyên các tổ hợp này, nếu có thay đổi nhà trường sẽ thông báo trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang website của nhà trường (www.upes1.edu.vn). Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn, em có thể đăng ký tư vấn trên trang website để giảng viên nhà trường giải đáp cụ thể.

Với chương trình hiện hành, cách kiểm tra, đánh giá học sinh với môn Thể dục theo thầy đã phù hợp chưa?. Thầy có thêm đề xuất gì không?

Letuanh68@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Hiện tại, cách kiểm tra đánh giá học sinh ở bộ môn này với tiêu chí Đạt hay Không Đạt.

Theo tôi, cách đánh giá này chưa thể hiện được sự đánh giá toàn diện năng lực, sở trường của học sinh ở bộ môn này. Chúng ta có thể thêm vào những tiêu chí cụ thể về mặt thể chất để đánh giá toàn diện hơn. Đánh giá không nặng về thành tích, nhưng phải có mức độ (khung) để giúp cho học sinh có sự nỗ lực, hoàn thành các bài tập trong rèn luyện thể chất. 

Mục đích cuối cùng là giúp các em có ý thức, nỗ lực về việc rèn luyện sức khoẻ, cải thiện bản thân. Với cách làm này mỗi giáo viên cần thay đổi và có kế hoạch cụ thể, đổi mới trong giáo án giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh qua nhiều hình thức. 

Tôi là một giáo viên thể dục. Hiện nay không ít học sinh vẫn có tâm lý coi đây là “môn phụ” và ít quan tâm. Vậy theo ông, chúng tôi cần làm gì để xoá bỏ tâm lý này của học sinh?. Để đẩy lùi định kiến “môn phụ”, theo ông giáo viên thể dục cần phải thay đổi như thế nào, sáng tạo như thế nào trong công tác giảng dạy?

Vanhahp@…

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Chào bạn. Thực tế hiện nay, không ít giáo viên thể dục còn tâm lý ỷ lại, không có ý thức tìm tòi, đổi mới phương thức truyền tải nội dung giảng dạy cho học sinh.

Do đó, để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với môn học, trước hết giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt để truyền được cảm hứng cho học sinh. Điều này quyết định đến việc yêu thích của học sinh đối với môn học giáo dục thể chất, để cho người học cảm thấy hứng thú trong giờ học.

Giáo viên thể dục cần sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích việc kết với âm nhạc phù hợp làm “nền” tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn, các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tổ chức các giờ học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa sinh động và hiệu quả.

Ai cũng biết tầm quan trọng của thể dục thể thao nói chung và giáo dục thể chất nói riêng. PGS có trăn trở, làm thế nào để nâng cao vị thế của môn học này?

Khuất Quang Khánh, TP Hà Nội

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến vấn đề này! Tôi cho rằng, để  nâng cao vị thế của môn học Giáo dục thể chất cần:

Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của môn học Giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội.

Xóa bỏ tâm lý “môn phụ”, thực tế, lâu nay bộ môn Giáo dục thể chất trong nhà trường thường chưa được chú trọng, vẫn còn mang tâm lý “môn phụ”. Trước đây, nhiều người coi môn Giáo dục thể chất là môn học thể dục. Trong giờ chủ yếu dạy học sinh các động tác thể dục vận động… Tuy nhiên, thực tế, đây là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức – Trí – Thể-Mỹ. Vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, GDTC là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về mục đích, vai trò, tác dụng của giáo dục thể chất, thể thao trường học; trước hết là ngay trong ngành Giáo dục; từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, nhìn nhận giáo dục thể chất, thể thao trường học đóng vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh và các thầy cô giáo. Làm tốt công tác giáo dục thể chất cho học sinh sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững, lâu dài đối với sức khỏe, thể chất và trí tuệ con người.

Cũng cần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới đối môn Giáo dục thể chất. Theo đó, ngoài việc đảm bảo nội dung chương trình, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên còn phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất như: sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu trong các nhà trường. 

Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để đổi mới sáng tạo dạy học bộ môn thể dục để học sinh yêu thích môn học này?

Huonganh234@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu bộ môn, tôi thường lồng ghép các bài học thể thao vào thực tế cuộc sống để các em thấy được những bài học thực tiễn, vai trò của thể thao trong cuộc sống. 

Đồng thời kể cho các em nghe những câu chuyện tích cực có thật từ đời sống thể thao, những tấm gương thể thao… lan toả năng lượng tích cực giúp các em phần nào hiểu biết thế giới quan xung quanh mình, nhất là lĩnh vực thể thao. Đồng thời, tôi cũng trao đổi với các em những bài học từ cuộc sống từ cách đối nhân xử thế, vượt khó, rèn luyện các kỹ năng sống, làm việc nhóm… Song song đó, tôi cũng đưa thêm vào những trò chơi dân gian, cho các em vừa học vừa chơi, vừa rèn luyện sức khoẻ tạo sự thoải mái, vui vẻ khi học tập bộ môn này.

Môn thể dục là một môn khá đặc thù, có những bài tập, yêu cầu không phải học sinh nào cũng có thể chất tốt để hoàn thành. Vì vậy, người giáo viên cũng cần linh hoạt trong đánh giá, kiểm tra, nhằm khuyến khích, động viên các em nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân.

Theo thống kê năm 2019, cả nước hiện có khoảng 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao; 99,6% số trường thiếu bể bơi; Giáo dục đại học có 36% số trường thiếu nhà tập luyện thể dục, thể thao và thiếu bể bơi là 87%… Vậy, theo ông nhà trường cần khắc phục như thế nào để đạt mục tiêu giáo dục thể chất cho học sinh?

Kiều Anh – Nghệ An

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Ông Nguyễn Hồng Minh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT.

Trước thực trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học, các nhà trường cần có các phương án cụ thể riêng, phù hợp đặc thù đơn vị để phục vụ nhu cầu rèn luyện TDTT cho học sinh.

Theo tôi, trước tiên, các trường học cần xây dựng kế hoạch phát triển các môn thể thao và tổ chức các hoạt động rèn luyện thể chất phù hợp với đặc thù và tình hình thực tiễn của Nhà trường.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; Từng bước dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu rèn luyện thể chất và hoạt động thể thao của học sinh theo chương trình giáo dục. Trong đó cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đồng thời, chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở thể dục thể thao, các câu lạc bộ thể thao ngoài trường học trên địa bàn để tạo điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho học sinh được tập luyện các môn thể thao ….

Thầy cho em biết, những tố chất cần thiết để theo học ngành Giáo dục thể chất?

Hồ Thanh Sắc, tỉnh Đồng Nai

PGS.TS Đặng Văn Dũng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh

Theo tôi, để theo học ngành Giáo dục thể chất, điều đầu tiên là em phải có sức khỏe, yêu thích TDTT. Đồng thời phải có năng lực vận động như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền… và có năng khiếu ít nhất ở một môn thể thao nào đó, chẳng hạn như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ, bơi lội….

Áp lực học tập ở các môn học khác có phải là một trong những rào cản lớn khiến học sinh không quan tâm nhiều đến môn thể dục không, thưa thầy?

lelunglinh@…

Huấn luyện viên, nhà giáo Trần Trung Sơn

GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM)

Theo tôi, áp lực học tập các môn văn hóa cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc nhiều học sinh không cảm thấy thích thú với môn Thể dục ở trường. Có thể thấy, học sinh ngày nay học thêm rất nhiều. Các em học thêm nhiều quá, không có thời gian vận động, thiếu ngủ, dinh dưỡng không đảm bảo ảnh hưởng lớn đến thể chất. 

Theo thầy Sơn, học sinh hiện có quá nhiều áp lực lên vai nên không có thời gian, tâm trí để chú trọng đến vấn đề học thể dục, rèn luyện sức khỏe.

 

Có thể thấy, chương trình hiện hành vẫn còn rất nặng, nhiều em với thời gian ở trên lớp chưa theo kịp bài vở nên đã phải tìm đến các trung tâm, lớp học thêm. Nhiều em tham gia các lớp luyện thi vào trường chuyên, thậm chí học để chạy theo thành tích. Các con có quá nhiều áp lực lên vai nên không có thời gian, tâm trí để chú trọng đến vấn đề học thể dục, rèn luyện sức khỏe.

Khi phong trào TDTT trong các nhà trường được chú trọng thì thể thao thành tích cao có được hưởng lợi gì không, thưa ông?

Vuhaphuong@…

Ông Nguyễn Hồng Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Thể thao trường học chính là nền tảng phát triển phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Thực tiễn cho thấy, khi thể thao trường học phát triển sẽ tạo cơ hội, tạo điều kiện cho các em học sinh lựa chọn các môn thể thao yêu thích để được tập luyện và phát triển năng khiếu, từ đó, có thể phát hiện và tuyển chọn, đào tạo được các tài năng thể thao tương lai.

Bời vậy, càng nhiều học sinh tham gia tập luyện các môn thể thao yêu thích tại các nhà trường, ch&uacute