Ngày 27 tháng 12 năm 2021, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã ký Quyết định số 1188/QĐ-TDTTBN về việc ban hành Chiến lược phát triển Trường Đại học TDTT Bắc Ninh giai đoạn 2016-2021, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Chiến lược, tới năm 2030 Trường Đại học TDTT Bắc Ninh sẽ trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc vị trí số 1 trong lĩnh vực TDTT của Việt Nam; trở thành một trong những trường đại học có chất lượng hàng đầu Đông Nám Á trong lĩnh vực giảng dạy và huấn luyện thể thao theo chuẩn mực xếp hạng của khu vực (trong đó một số chuyên ngành có chất lượng tốt nhất khu vực).
Sứ mệnh của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh được xác định là: Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về giảng dạy, huấn luyện, quản lý kinh tế và chăm sóc sức khoẻ trong lĩnh vực TDTT; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước; là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT, tham mưu, đề xuất các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển TDTT của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Giá trị cốt lõi được xác định gồm: Sáng tạo, đoàn kết, liêm chính, hiệu quả và trách nhiệm.
Triết lý giáo dục: Kiến tạo con đường thông minh để mỗi người sau quá trình đào tạo trở thành công dân tốt, phát huy hiệu quả tốt nhất năng lực của bản thân, mang lại giá trị cao cho cộng đồng.
Định vị Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: Trường Đại học TDTT Bắc Ninh là một trong các trường đại học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực TDTT và đang có vị trí thuận lợi để phát triển.
1. Mục tiêu và chiến lược phát triển
1.1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh, chuyên nghiệp, đạt chuẩn kiểm định trong nước và khu vực. Trường là trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu về TDTT, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của các học sinh, học viên, nghiên cứu sinh, vận động viên có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
1.2. Nhiệm vụ tổ chức bộ máy
– Phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức 3 cấp: Củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức theo 3 cấp hiện có; xây dựng các đơn vị trực thuộc Khoa và tương đương. Xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, phù hợp với quy định của của pháp luật.
– Tăng cường tự chủ cho các đơn vị trong trường: Là chủ trương xuyên suốt trong mô hình tổ chức của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Bên cạnh tự chủ về học thuật, một số đơn vị được phân cấp quản lý tài chính.
1.3. Nhiệm vụ đào tạo
– Phát triển các chương trình giáo dục chất lượng cao theo hướng tăng cường hội nhập và gắn kết với thực tiễn: Thực hiện đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh, chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ hệ thống học liệu tiên tiến nhất cho người học; kiểm định các chương trình đào tạo, tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo thông qua việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm giảng từ các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài, nâng cao hiệu quả các kỳ thực tập, tiên phong trong việc mở các ngành đào tạo và đưa vào chương trình đào tạo các môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội.
– Từng bước mở rộng sang các lĩnh vực và ngành đào tạo mới, liên ngành, xuyên ngành: Phát triển mạnh ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo nền móng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này. Trường sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc giảng dạy các nội dung về công nghệ, kỹ thuật trong các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT và Y sinh học TDTT để tiến tới đào tạo toàn diện cho các ngành học mới như: Kinh tế TDTT, Thể thao du lịch… Tăng cường, tổ chức hiệu quả các loại hình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng nhu cầu xã hội.
– Đổi mới mạnh mẽ công nghệ và phương thức đào tạo: Theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, huấn luyện trên quan điểm lấy người học làm trung tâm. Phương thức đào tạo chủ yếu của Trường sẽ là phương thức kết hợp, bảo đảm người học có quyền lựa chọn cao nhất đối với các chương trình và nội dung đào tạo, tiến tới thống nhất một chuẩn mực chất lượng không phân biệt các hình thức đào tạo, phấn đấu có tỷ lệ sinh viên/giảng viên vào loại thấp nhất trong các trường đại học thuộc lĩnh vực TDTT. Thực hiện công nhận văn bằng, tín chỉ, liên thông với các trường đại học trong nước và khu vực Đông Nam Á.
– Xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức: Nhà trường hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp, cơ sở thể thao, tổ chức xã hội về TDTT và tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT trong hầu hết các mặt hoạt động, từ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, kiến tập, thực tập, tiếp tục mở rộng tới các hoạt động truyền thông, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
– Xây dựng cơ cấu hợp lý giữa các trình độ đào tạo: Đào tạo bậc đại học là nền tảng của Trường với số lượng lớn nhất. Đào tạo bậc thạc sĩ mang tính tiên phong (đáp ứng kịp thời nhu cầu của thực tiễn xã hội, của ngành) hướng tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huấn luyện viên, chăm sóc thể thao trong các tổ chức, doanh nghiệp, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Đào tạo bậc tiến sĩ mang tính chất tinh hoa hướng tới việc phát triển một đội ngũ các nhà khoa học cho các trường đại học, các viện nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao.
– Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế: Trước hết tập trung vào trao đổi sinh viên với các trường đại học trong khu vực và các trường đã có quan hệ hợp tác truyền thống như: Lào và Campuchia. Đồng thời thu hút sinh viên từ các quốc gia khác trong khu vực theo học các chương trình tiên tiến của Trường.
1.4. Nhiệm vụ khoa học công nghệ
– Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đi tiên phong trong việc nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong hoạt động quản trị: Tiếp tục phát huy vị thế của một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực TDTT dựa trên những nền tảng của các công nghệ mới. Đưa Trường trở thành Trung tâm nghiên cứu xử lý dữ liệu lớn (big data) và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng, đánh giá tác động, hiệu quả của các hoạt động TDTT và chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các quyết định chiến lược của các địa phương.
– Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách kinh tế và quản trị TDTT tại Việt Nam: Đảm bảo số lượng và doanh thu từ đề tài NCKH các cấp, các hợp đồng tư vấn cho Nhà nước, các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp là lớn nhất trong các trường đại học TDTT. Nâng cao vai trò, vị thế của nhà trường trong việc tham gia, đề xuất đối với các vấn đề trọng yếu trong phát triển TDTT của đất nước.
– Ưu tiên nguồn lực để đưa Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao giữ vị trí số 1 ở Việt Nam, khuyến khích và đầu tư cho các công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế (Viện Hàn lâm khoa học, các Viện nghiên cứu chuyên ngành và các trường đại học hàng đầu của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức…). Nâng cao vị thế khoa học trên phạm vi quốc tế thông qua việc có số công trình khoa học công bố trên một giảng viên cao nhất trong số các trường đại học TDTT và tiệm cận với các trường đại học lớn trong khu vực…
– Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích NCKH, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu: Đảm bảo các viên chức, người lao động của trường có đủ nguồn lực (tài chính, cơ sở vật chất và thời gian) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Đa dạng hóa các nguồn lực cho NCKH. NCKH học phải trở thành sự đam mê và ưu tiên hàng đầu đối với đội ngũ viên chức, người lao động.
– Phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, có khả năng dẫn dắt các xu hướng nghiên cứu mới: Có sự kế thừa và tiếp nối chặt chẽ giữa các thế hệ viên chức, người lao động. Từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực giải quyết những vấn đề mới, khó khăn trong phát triển TDTT của đất nước cũng như đi đầu trong các hướng NCKH mới.
– Tăng cường gắn kết nghiên cứu với đào tạo và thực tiễn: Có cơ chế khuyến khích đưa các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy một cách nhanh chóng. Ưu tiên thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức. Tăng cường phát triển hợp tác quốc tế trong NCKH.
1.5. Một số nhiệm vụ khác
– Phát triển sản phẩm chiến lược của một số lĩnh vực, ngành đào tạo: Xây dựng và chia sẻ một số chương trình đào tạo tiên tiến; chuyển giao công trình nghiên cứu (sách, bài báo), phần mềm, tiêu chuẩn (chuẩn mực)/sách hướng dẫn/chương trình huấn luyện… có tầm ảnh hưởng rộng lớn và tác động sâu sắc tới cộng đồng và xã hội. Nhà trường sẽ tập trung xây dựng và phát triển 1- 3 sản phẩm chiến lược trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
– Thực hiện kiểm định và xếp hạng trong nước và khu vực: Lựa chọn và tiến hành kiểm định Trường và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và khu vực. Xây dựng lộ trình để nâng cao vị trí xếp hạng trên một hệ thống xếp hạng có uy tín. Tăng cường sự thừa nhận và liên thông với các trường đại học trong nước và khu vực.
– Xây dựng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước: Cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư; các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực TDTT cho các tổ chức, doanh nghiệp…
– Từng bước đưa Trường Đại học TDTT Bắc Ninh thành trường đại học thông minh: Trường kết hợp chặt chẽ với các đối tác để phát triển và hoàn thiện mô hình trường đại học thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
– Tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu Trường: Khai thác hiệu quả các giá trị truyền thống và mạng lưới cựu sinh viên của Trường. Các hoạt động truyền thông phải gắn kết chặt chẽ với các sự kiện, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn.
2. Giải pháp thực hiện
3.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy năng lực tự chủ của Nhà trường
– Xây dựng và phát huy vai trò của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Trường. Đảng ủy Trường thực sự đi đầu, đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu chiến lược.
– Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết về đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thay đổi nhận thức, tư duy, tạo sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động để cùng nhau chung sức phát triển Nhà trường.
– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình từ khâu lựa chọn sinh viên, học viên và trong quá trình giảng dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo.
– Tăng tính tự chủ cho các đơn vị phòng, khoa, viện, trung tâm trực thuộc, phát huy sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
3.2. Phát triển nguồn nhân lực
– Thu hút, xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức, người lao động có năng lực nghiên cứu và tư vấn hàng đầu: Có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học có uy tín, các viên chức, người lao động có bằng tiến sĩ tại các nước phát triển, có công trình công bố quốc tế (tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.
– Nâng cao kiến thức và năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu: Triển khai thực hiện chế độ giảng viên sẽ được nghỉ giảng trong thời gian nhất định để nghiên cứu và thâm nhập thực tiễn hoặc đi trao đổi nghiên cứu, giảng dạy ở các nước phát triển. Tăng cường khả năng tư vấn của đội ngũ giảng viên thông qua hoạt động hợp tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
– Chuẩn hóa năng lực các vị trí chức danh: Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức, người lao động phát triển tốt năng lực chuyên môn theo hướng hội nhập, chuyên nghiệp, làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm. Phấn đấu tỷ lệ tiến sĩ của đội ngũ giảng viên đạt 50%. Tăng tính chuyên nghiệp và văn hóa phục vụ của đội ngũ viên chức hành chính.
– Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực: Thực hiện tốt công tác sinh viên, tăng cường công tác chăm lo, phục vụ sinh viên, thực hiện công bằng trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Nhà trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực quản lý cấp cao cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
3.3. Nâng cao năng lực tài chính
– Tích cực mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu: Từng bước tiến tới đồng bộ mức học phí giữa các hệ đào tạo chính quy, phi chính quy và chất lượng cao. Tăng tỷ lệ nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và khai thác cơ sở vật chất. Chú trọng khai thác các nguồn tài trợ, tài chính từ các tổ chức TDTT quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Thu hút các nguồn ngân sách thông qua các nhiệm vụ đấu thầu cạnh tranh. Phấn đấu từng bước nâng cao khả năng tự chủ trong hoạt động NCKH.
– Từng bước tăng cường cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị theo mô hình phát triển của Trường: Đảm bảo cho các đơn vị có đủ nguồn lực để phát huy tính sáng tạo, chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển đơn vị theo định hướng chung của Trường.
– Thực hiện cải cách tiền lương và các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức, người lao động: Duy trì với mức tăng trung bình 10%/ năm. Đảm bảo thu nhập của viên chức, người lao động nhà trường thuộc vào nhóm có mức thu nhập cao nhất trong các trường đại học TDTT ở Việt Nam. Thực hiện phân phối thu nhập cho viên chức, người lao động theo kết quả hoạt động.
– Chuẩn bị các nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược: Áp dụng các biện pháp quản lý để đảm bảo chi tiêu có hiệu quả và sự bền vững về tài chính của Trường. Ngoài các nguồn thu theo quy định, Nhà trường cần chủ động tìm kiếm các nguồn lực tài chính khác như: Đầu tư từ Chính phủ, vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân…
3.4. Tăng cường cơ sở vật chất
– Xây dựng, xin phê duyệt và triển khai thực hiện các Dự án phát triển Trường: Đưa Trường Đại học TDTT Bắc Ninh thành trường đại học hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, huấn luyện thể thao, NCKH, khởi nghiệp và phát triển tài năng thể thao. Phấn đấu mật độ tập luyện tương ứng tiêu chuẩn người mới tập.
– Từng bước thực hiện phương án mặt bằng phát triển tổng thể Trường đến năm 2045: Bên cạnh hệ thống giảng đường và văn phòng, chú trọng phát triển hệ thống ký túc xá mới, khách sạn trường, trung tâm khởi nghiệp, công trình thể thao, trung tâm y tế và hồi phục thể thao và các cơ sở phục vụ giảng dạy, huấn luyện và học tập…
– Tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao hơn nữa năng lực giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và quản lý của Trường: Tập trung đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, huấn luyện, NCKH và quản trị đại học theo hướng đại học thông minh.
3.5. Hoàn thiện hệ thống quản trị
– Hoàn thiện và đưa vào áp dụng đề án vị trí việc làm tạo cơ sở cho chính sách trả lương, thưởng và khuyến khích động lực làm việc: Đây là một trong những nền tảng cơ sở cho việc đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động quản trị của Trường. Đề án này cần được thường xuyên đánh giá, cập nhật cho phù hợp với những thay đổi trong thực tế hoạt động của Trường.
– Chuẩn hoá hệ thống văn bản quản lý, quy trình làm việc trong các lĩnh vực, tổ chức và đơn vị trong toàn trường theo hướng chuyên nghiệp: Công khai kết quả thực hiện công việc gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo môi trường học tập và làm việc tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh mang tính chuẩn mực và chuyên nghiệp.
– Phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá mọi mặt hoạt động của Trường nhằm đảm bảo sự minh bạch, kỷ cương và hiệu quả: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường. Xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị trong trường.
– Gắn kết hoạt động của Trường với xã hội: Định hướng Trường trở thành tiêu điểm gắn kết với xã hội đảm bảo tận dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả, nâng cao vị thế, vai trò của Trường đối với xã hội. Đảm bảo sự giám sát cần thiết của xã hội đối với các hoạt động của Trường.
– Xây dựng và thực hiện lộ trình tái cấu trúc một cách khoa học, hợp lý: Đảm bảo quá trình thực hiện Chiến lược được tiến hành với ý chí và nguyện vọng thống nhất của tập thể sư phạm Trường./.