Hội nghị hưởng ứng ngày Pháp luật VN, chuyên đề “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục ở nước ta”

Tin tức

17.11.2017

Hôm nay, ngày 17/11/2017, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tổ chức Hội nghị hưởng ứng ngày Pháp luật VN, chuyên đề "cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục ở nước ta".

Tham dự hội nghị có NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng  tất cả các cán bộ, giảng viên, công nhân viên, giáo viên của Nhà trường. Về phía khách mời có TS. Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương.

NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương tiếp TS. Nguyễn Đắc Hưng tại phòng khách quốc tế (ảnh Hải An)

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra không chỉ với nền giáo dục (GD) Việt Nam mà của cả thế giới là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới.

Phân tích về tính cấp bách và quan trọng của vấn đề này, TS. Nguyễn Đắc Hưng  cho rằng, muốn hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống GD, đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu. Do đó, nền giáo dục (GD) Việt Nam nói chung và các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động sẽ phải đào tạo theo chuẩn GD 4.0 theo hướng bảo đảm khối kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh.

Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, chúng ta cần định vị một cách cụ thể cách thức, phương pháp của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó,  sự thay đổi về quan niệm, tư duy của quá trình dạy và học là một trong những yếu tố then chốt để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền GD nói chung và đổi mới theo hướng GD 4.0 nói riêng.

Đối với quá trình dạy, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng GD nhân cách nói chung sang kết hợp GD nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực.

TS. Nguyễn Đắc Hưng báo cáo chuyên đề “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục ở nước ta” (ảnh Hải An

Còn với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Không chỉ học chỉ trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học bằng dự án. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.

Như vậy, nền GD cần chuyển đổi cách thức GD từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Trên cơ sở đó chương trình GD phổ thông mới cần xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn; các hình thức tích hợp hoặc phân hóa trong chương trình dạy học tùy theo cấp học.

Tức là phương pháp GD cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc tổ chức GD qua Internet. Qua đó, hình thức GD sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát triển E-learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt.

Đối với lĩnh vực GD đại học, nơi đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 thì cần phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá sinh viên tốt nghiệp.

Thời đại đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Đây cũng là những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều nhất. Để giải quyết vấn đề này, GD 4.0 sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả mà GD đại học cần triển khai.

Cách tốt nhất là các trường ĐH nên liên danh với DN lớn để hình thành mô hình ĐH mới – ĐH doanh nghiệp.Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, DN cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và DN sẽ cần”.

Toàn cảnh buổi hội nghị (ảnh Hải An)

Về mặt quản lý, các cơ sở GD cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào GD đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước.