Hội nghị Khoa học sinh viên năm 2015

Tin tức

25.03.2015

Hôm nay, ngày 25/3/2015, Hội nghị Khoa học sinh viên năm 2015 đã được diễn ra tại Hội trường A, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Tham dự Hội nghị có NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường cùng các trợ lý khoa học các đơn vị, các cán bộ, giáo viên, các nhà khoa học, đại diện sinh viên cùng các cán bộ hướng dẫn và 7 nhóm nghiên cứu báo cáo tại Hội nghị.

NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Khai mạc Hội nghị, NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương nhấn mạnh “Nghiên cứu khoa học là 1 trong các nhiệm vụ trọng tâm luôn được Nhà trường quan tâm, chú trọng.  Trong thời gian qua, hoạt động NCKH đã dần trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi của cán bộ, giáo viên và sinh viên của Nhà trường, trong đó Hội nghị khoa học sinh viên là hoạt động thường niên, là dịp để các nhà khoa học trẻ công bố kết quả nghiên cứu, những sản phẩm đầu tay của mình. Đồng thời, cũng là cơ hội để các bạn sinh viên, cùng với thầy, cô giáo, các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu, qua đó nắm chắc hơn và vững tin hơn trong lĩnh vực NCKH, sẵn sàng cho những nghiên cứu sâu hơn và quy mô hơn”

Tại Hội nghị KHSV năm 2015, có 7 công trình khoa học tiêu biểu, đại diện cho 16 đề tài KH & CN sinh viên cấp cơ sở năm 2014-2015 báo cáo. Các báo cáo tập trung vào 2 hướng nghiên cứu: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực Quản lý TDTT, 2 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực Giáo dục thể chất, 2 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực Huấn luyện thể thao và 1 đề tài nghiên cứu về tâm lý. Đã có 3/7 đề tài báo cáo tại Hội nghị khai thác, ứng dụng các thiết bị cũng như các phần mềm chuyên dụng trong quá trình nghiên cứu như công trình: “Ứng dụng công nghệ xây dựng băng đĩa hình giảng dạy Cờ vua trên mạng Internet ở Việt Nam”; “Nghiên cứu ứng dụng tổ hợp bài tập với thang dây phát triển tốc độ di chuyển của đội tuyển Bóng rổ nữ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh”….

Việc đánh giá và cho điểm các báo cáo tại Hội nghị dựa vào 8 nội dung: Đặt vấn đề; Mục đích; Mục tiêu nghiên cứu; Phương pháp và tổ chức nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu và bàn luận; Kết luận và kiến nghị; Tính mới lạ và sáng tạo của đề tài; Báo cáo đề tài và phần hỏi & trả lời. Trong đó, phần kết quả nghiên cứu & bàn luận của đề tài, phần báo cáo, hỏi & trả lời tại Hội nghị của báo cáo viên chiếm số điểm cao nhất từ 20 – 30 điểm trên thang điểm 100.

 

PGS.TS. Đặng Văn Dũng, Viện trưởng Viện KH&CN TDTT tổng kết bế mạc Hội nghị

PGS.TS. Đặng Văn Dũng, Viện trưởng Viện KH&CN TDTT cho biết “7 báo cáo trình bày tại Hội nghị lần này đều được thẩm định trước khi đưa vào Hội nghị, vì vậy so với các năm trước, số lượng và chất lượng của các báo cáo năm nay được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Nội dung nghiên cứu của một số đề tài khá rộng, song phần bàn luận kết quả nghiên cứu chưa khai thác hết sự phong phú của số liệu, cũng như chưa có những phân tích so sánh, kiến giải sâu; Một số báo cáo chưa có sự chắt lọc, nội dung chưa phản ánh hết các vấn đề nghiên cứu của đề tài”

Theo ThS. Ngô Sách Thọ, cán bộ hướng dẫn khoa học của 1 trong 7 báo cáo tại Hội nghị, và cũng là cán bộ hướng dẫn khoa học cho các đề tài sinh viên cấp cơ sở từ năm 2008 đến nay thì “Việc tiếp cận vấn đề cũng như nội dung giải quyết vấn đề chưa triệt để là những khó khăn thường gặp phải trong quá trình nghiên cứu của sinh viên, chính vì vậy cán bộ hướng dẫn khoa học cần có sự định hướng nghiên cứu ban đầu cho sinh viên, định hướng quá trình tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với sinh viên, để qua đó các em hiểu sâu vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết triệt để vấn đề theo đúng mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra”

Hội nghị khoa học sinh viên năm 2015 diễn ra sôi nổi, đã có nhiều trao đổi chuyên môn giữa các báo cáo viên với các nhà khoa học, các báo cáo viên thể hiện sự chững chạc, trưởng thành khi báo cáo kết quả nghiên cứu, đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu, rộng về vấn đề nghiên cứu khi trả lời các câu hỏi đặt ra của Ban điều hành và các nhà khoa học.

Kết quả, giải Nhất thuộc về đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tổ hợp bài tập với thang dây phát triển tốc độ di chuyển của đội tuyển Bóng rổ nữ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh” – Nhóm nghiên cứu: Phạm Thùy Linh, Thân Thị Thanh – Lớp Bóng rổ, khoa GDTC, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: TS. Đinh Quang Ngọc

Đề tài “Ứng dụng công nghệ xây dựng băng đĩa hình giảng dạy Cờ vua trên mạng Internet ở Việt Nam” – Nhóm nghiên cứu: Nguyễn Văn Hải, Vũ Mạnh Cầm, Nguyễn Trọng Nghĩa – Lớp Cờ vua, khoa HLTT, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: TS. Bùi Ngọc đạt giải Nhì

Đồng giải Ba thuộc về các đề tài: “Nghiên cứu phong cách thi đấu của vận động viên Cờ vua trẻ trường Năng khiếu TDTT Thái Nguyên” – Nhóm nghiên cứu: Lương Thị Hồng Nhung, Đặng Việt Hùng, Nguyễn Văn Hiền – Lớp Cờ vua, khoa HLTT, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đặng Văn Dũng; “Lựa chọn giải pháp nâng cao hiệu quả tập luyện ngoại khóa môn Cầu lông cho sinh viên chuyên ngành Cầu lông, khoa Giáo dục thể chất trường Đại học TDTT Bắc Ninh” – Nhóm nghiên cứu: Trần Thị Thu Hằng, Vũ Thị Gấm – Lớp Cầu lông, khoa GDTC, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Đình Chung

Giải khuyến khích thuộc về 03 đề tài: “Ứng dụng bài tập bổ trợ chuyên môn nâng cao khả năng mềm dẻo trong môn Thể dục Aerobic cho sinh viên chuyên ngành năm thứ 4 Trường Đại học TDT Bắc Ninh” – Nhóm nghiên cứu: Lại Văn Tuynh, Vũ Thị Minh, Lương Văn Tuyên – Lớp Thể dục, khoa GDTC, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: TS. Đinh Khánh Thu

“Nghiên cứu mức độ đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của người dân Thị xã Từ Sơn” – Nhóm nghiên cứu: Trần Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Thị Thà, lớp Điền kinh, khoa HLTT, Dương Văn Chiến, lớp Vật, khoa GDTC, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: ThS. Ngô Sách Thọ

“Nghiên cứu xung đột tâm lý giữa các vận động viên lứa tuổi thiếu niên Trường phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh” – Nhóm nghiên cứu: Ngô Ngọc Anh, lớp Cờ vua, khoa GDTC, Phạm Thị Lan Anh, lớp Bóng bàn, khoa GDTC, Cao Thị Vân, lớp Bóng bàn, khoa HLTT, Đại học khóa 47; Hướng dẫn khoa học: ThS. Ngô Thị Thanh Xuân