Lễ ra mắt câu lạc bộ Bóng Gỗ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh

Tin tức

22.08.2018

Đến dự Lễ ra mắt CLB Bóng Gỗ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh có GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; Ông Hà Khả Luân – Chuyên gia Bóng Gỗ cùng 28 thành viên CLB Bóng Gỗ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.

CLB Bóng Gỗ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh có 28 thành viên là các cán bộ, giáo viên trường Đại học TDTT Bắc Ninh do ThS. Đặng Đình Minh làm chủ tịch.

 

Ông Hà Khả Luân, GS.TS. Nguyễn Đại Dương chụp ảnh lưu niệm với các thành viên CLB

 

Bóng gỗ được ông Ming – Hui Weng người Đài Loan (Trung Quốc) phát minh vào năm 1990. Ông Weng là một người chơi Golf rất giỏi, tuy nhiên chi phí để chơi Golf lại quá đắt và tốn kém về thời gian, vì thế ông nảy ra ý tưởng là có thể cải tạo khu vườn của mình thành một nơi chơi bóng

Trong khoảng thời gian ngắn; ông đã tiến hành thành lập Hiệp hội Bóng gỗ Đài Loan vào ngày 11/9/1993 với mong muốn phát triển một môn thể thao mới do chính người Trung Quốc tạo ra và phát triển nó trên khắp thế giới. Tính đến nay sau khoảng thời gian 20 năm, Bóng gỗ đã ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên toàn thế giới. Con số trên 40 quốc gia tập luyện và thi đấu môn thể thao này là một minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển của Bóng gỗ.

 

Ông Hà Khả Luân hướng dẫn luật chơi cho các thành viên CLB

 

Mới được du nhập vào Việt Nam từ năm 2009 nhưng bóng gỗ Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Từ chỗ ban đầu chỉ có một CLB tại Hà Nội, do ông Hà Khả Luân thành lập, đến nay cả nước đã có cả chục tỉnh, thành phố có CLB hoạt động (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Vũng Tàu, Gia Lai, Phú Thọ), trong đó có những đơn vị phát triển rất mạnh như Công ty Hóa chất 21, thu hút sự tham gia của hàng trăm gậy thủ.

Hầu hết điều luật, kỹ thuật chơi bóng gỗ đều giống như golf, nhưng có những cải tiến về sân bãi, dụng cụ. Golf thì đánh xuống lỗ, còn bóng gỗ thì đánh vào cầu môn có chiều rộng là 15cm và chiều cao là 15cm.

Về kỹ thuật thì từ động tác vung gậy, đánh xa, công thành, tức là đánh vào lỗ, đều giống như đánh golf; kỹ thuật gần giống nhau.

Cái khác đầu tiên là dụng cụ. Gậy đánh golf thì có đến 14 gậy, còn bóng gỗ thì chỉ có một gậy làm bằng gỗ. Đầu gậy (vồ) có 1 đầu to và 1 đầu nhỏ. Đánh đầu to cũng được và đầu nhỏ cũng được. Đầu to thì được bịt bằng cao su. Gậy có 4 kích thước phù hợp với chiều cao của người chơi: loại S là nhỏ nhất, chiều dài từ cán gậy đến đầu vồ là 80cm; loại L và XL có chiều dài là một mét, và loại medium (trung bình) có chiều dài là 90cm.

 Sân bãi – nếu sân golf đòi hỏi phải có diện tích rất rộng, địa hình, loại cỏ nhung v.v. sân golf có 18 rồi 36 v.v. bội số nó lên, là số lỗ đánh của đường thi đấu, thì bóng gỗ cũng tương tự như vậy, nhưng nó không đánh vào lỗ mà đánh vào cầu môn, và đường đánh của nó là 12, 24, 36 v.v cũng bội số nhân lên như thế. Nó không đòi hỏi địa hình, hoặc loại cỏ nhung gì cả, ví dụ cỏ trồng công viên cũng chơi được. Chỉ cần có quy định đủ 12 đường đánh, đường bé nhất là 3 mét chiều rộng, dài nhất là 130 mét, hoặc ngắn nhất là từ 30 đến 35 mét. 12 đường đó không đòi hỏi diện tích liên tục như sân gôn. Ví dụ một công viên ở đây có một dải cỏ dài 50 mét, người ta có thể kẻ một đường với chiều rộng tối thiểu là 3 mét và tối đa là 5 hoặc 6 mét chẳng hạn. Xong sang bên kia lại có một dải cỏ 50 mét, thì người ta có thể kẻ đường line thứ hai. Có nghĩa là trên địa hình các công viên, chúng ta có thể kẻ được 12 line để thi đấu.

 

Các thành viên CLB có buổi tập đầu tiên sau khi Lễ ra mắt CLB

 

 Đơn giản nhất là trong lòng sân bóng đá, người ta có thể kẻ đủ 12 line theo các hình thước thợ, đường thẳng, đường cong v.v.

Khi thi đấu, người ta đánh vòng thứ nhất là 12, vòng thứ hai là 24 vòng thứ ba là 36 v.v. là người ta có thể tổ chức thi đấu.

Có 2 nội dung chính trong môn Bóng Gỗ là “fairway” (tính điểm từng đường) và “stroke” (cộng điểm sau 24 đường).