NĂM 1946 – VÌ SAO CÓ HAI SẮC LỆNH THỂ DỤC THỂ THAO?
19.03.2015
NĂM 1946 – VÌ SAO CÓ HAI SẮC LỆNH THỂ DỤC THỂ THAO?
Nền Thể dục thể thao (TDTT) cách mạng ra đời đến nay gần 70 năm. Mọi người hay nhắc tới các Sắc lệnh số 14 ngày 30 tháng Giêng và Sắc lệnh số 38 ngày 27 tháng 3 năm 1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Song vì sao lại có tới 2 sắc lệnh về TDTT? Chúng ta hãy cùng đi tìm nguyên nhân để hiểu rõ vì sao TDTT có được vinh hạnh đặc biệt đó?!
Hoàn cảnh ra đời Sắc lệnh số 14.
SẮC LỆNH SỐ 14
ngày 30 tháng Giêng năm 1946
thiết lập tại Bộ Thanh niên một
Nha Thể dục Trung ương
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP LÂM THỜI
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thanh niên;
Xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam; Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã thỏa thuận:
RA SẮC LỆNH
Điều thứ nhất – Nay thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương, nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc.
Điều thứ hai – Chi tiết tổ chức Nha Thể dục Trung ương sẽ do Bộ trưởng Bộ Thanh niên ấn định.
Điều thứ ba – Việc chi tiêu cho Nha Thể dục Trung ương về văn phòng và tổ chức chuyên môn sẽ do một ngân sách riêng chịu, ngân sách ấy do Bộ Thanh niên đề nghị với Hội đồng Chính phủ.
Điều thứ tư – Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Thanh niên, Bộ Tài chính và Bộ Quốc gia Giáo dục sẽ tùy chức vụ thi hành Sắc lệnh này.
Hà Nội ngày 30 tháng Giêng năm 1946.
Hồ Chí Minh
T/M Bộ trưởng Bộ Nội vụ đi kinh lý
|
|
||
Đổng lý Văn phòng (đã ký) Hoàng Minh Giám |
Bộ trưởng Bộ Y tế (đã ký) Trương Đình Tri
|
||
Bộ trưởng Bộ Thanh niên
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính
|
Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục
|
|
(đã ký) Dương Đức Hiền |
(đã ký) Phạm Văn Đồng |
(đã ký) Vũ Đình Hòe |
|
“Việt Nam Dân quốc Công báo”
Ngày 23 – 2 – 1946
Sắc lệnh số 14 là văn bản pháp luật đầu tiên của Chính phủ thành lập cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, khai sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới. Song, Sắc lệnh số 14 ra đời trong hoàn cảnh nào?
Tháng 8 năm 1965 trong một lần đi viết về phong trào TDTT tỉnh Hà Tây, nguyên Phó chủ nhiệm Ban TDTT tỉnh Sơn Tây (cũ) ông Dương Đức Kiều giới thiệu có một cựu cán bộ TDTT công tác ở Nha Thể dục Trung ương. Đó là ông Hà Đức Toàn (1926-2005) sống ở thôn Cát Động, xã Kim Bài, huyện Thanh Oai. Trước lúc nghỉ hưu, ông công tác ở Bộ Tài chính cùng với nguyên Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương Hoàng Anh đang làm Bộ trưởng.
Đến nhà thăm, ông Toàn kể bằng giọng rất hào hứng: “Bộ trưởng Dương Đức Hiền giao nhiệm vụ đi gặp gỡ từng người và tập hợp các lực sĩ có tinh thần yêu nước, hăng hái phụng sự Tổ quốc để lập cơ quan Thể dục thể thao của chế độ mới!”.
Nhắc đến lực sĩ (ngày nay gọi là VĐV) xứ Đoài Hà Đức Toàn, giới thể dục Bắc Kỳ đều biết danh tài: Chạy cự ly trung bình 800 mét và 1.500 mét luôn đứng nhất nhì trên sân SEPTO (sân vận động Hà Nội ngày nay), sân Manzin (sân vận động Cột Cờ, nay thuộc khu Hoàng thành Thăng Long). Ông Toàn tìm gặp các lực sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Dzị, Lê Văn Lãng, các danh thủ bóng tròn (bóng đá) Nguyễn Huy Khôi, Trần Văn Quý…để cùng xây dựng đề án TDTT kịp giúp Bộ Thanh niên trình lên Chính phủ.
Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), ngày 16-8-1945 Đại hội Quốc dân họp thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, ban hành Lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương tức Chính phủ Lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng 8 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 2-9 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 3-9-1945 Chính phủ Lâm thời họp phiên đầu tiên có13 bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dương Đức Hiền được cử giữ trọng trách Bộ trưởng Thanh niên.
Ngày 1-1-1946 Chính phủ Lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với 14 bộ. Ngày 30-1-1946, tức đúng 30 ngày sau khi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương. Bộ trưởng Dương Đức Hiền được giao thêm trọng trách trực tiếp phụ trách Nha Thể dục Trung ương.
Ông Dương Đức Hiền (1917-1967) quê Gia Lâm, Bắc Ninh (nhập về Hà Nội hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước). Ông là một trí thức sớm giác ngộ cách mạng. Tốt nghiệp Khoa luật năm 1940, từng giữ chức Hội trưởng Tổng hội sinh viên Trường Đại học Đông Dương. Khi tham gia hoạt động cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú ý đến những hoạt động yêu nước của “Nhóm Thanh niên Dương Đức Hiền” và giúp ông đứng ra thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam ngày 30-6-1944.
Nha Thể dục Trung ương hoạt động trong tổ chức bộ máy của Bộ Thanh niên thuộc Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hoàn cảnh ra đời Sắc lệnh số 38
Những ngày đầu năm 1946, tình hình trong nước không hề thuận lợi cho Chính phủ. Thù trong giặc ngoài đe dọa, Nhà nước Việt Nam mới trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc! Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất quyết định thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chỉ còn 10 bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nội các mới không còn các bộ: Thanh niên, Tuyên truyền-Cổ động. Các Bộ Y tế, Bộ Lao động và Bộ Cứu tế-Xã hội hợp nhất thành Bộ Xã hội kiêm Y tế-Cứu tế và Lao động. Nghĩa là Nha Thể dục Trung ương cũng không còn.
Thực hiện đường lối chính trị sáng suốt với phương châm cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Đảng và Bác đã tranh thủ thời gian nhất định để kiến quốc, tập trung các nguồn lực yêu nước củng cố nước Cộng hòa non trẻ. Mặt khác, Chính phủ Hồ Chí Minh tranh thủ hòa hoãn với Pháp bằng ký Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946 để quân Tưởng Giới Thạch phải rút ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam độc lập.
Ngày 27-3-1946 tuy bận nhiều việc quốc gia đại sự, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Ngành Thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt. Một lần nữa Người ký ban hành Sắc lệnh số 38 như sau:
SẮC LỆNH SỐ 38
Ngày 27 tháng 3 năm 1946
thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục
một Nha Thanh niên và Thể dục.
*****
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Chiểu theo Quyết nghị của Quốc dân Đại hội Việt Nam họp ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946 định sự tổ chức Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến:
RA SẮC LỆNH
Điều thứ nhất
Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm có một Phòng Thanh niên Trung ương và một Phòng Thể dục Trung ương.
Điều thứ hai
Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục chịu ủy nhiệm thi hành Sắc lệnh này.
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1946
Hồ Chí Minh
“Việt Nam Dân quốc Công báo”
Ngày 6 – 4 – 1946
Thực hiện đường lối chính trị sáng suốt với phương châm cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Đảng và Bác đã tranh thủ thời gian nhất định để kiến quốc tập trung các nguồn lực yêu nước củng cố nước cộng hoà còn non trẻ. Mặt khác, Chính phủ Hồ Chí Minh tranh thủ hoà hoãn với Pháp bằng ký Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946 để quân Tưởng Giới Thạch phải rút ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam độc lập
Ngày 27 tháng 3 năm 1946 tuy bận nhiều việc quốc gia đại sự, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Ngành TDTT sự quan tâm đặc biệt. Một lần nữa Người ký Sắc lệnh số 38.
Cùng ngày ban hành Sắc lệnh số 38 về Thể dục thể thao, Bác viết bài: “Sức khỏe và Thể dục” đăng trên báo Cứu quốc số 119 ra ngày 27-3-1946, báo Việt Nam khỏe số 1 ngày 30-3-1946, Việt Nam Quốc dân Công báo ngày 6-4-1946 đều có thêm dòng “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục” trên đầu bài viết, nguyên văn như sau:
Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được.
Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe.
Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe.
Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập.
Hồ Chí Minh.
(Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4 (1945-1946), Tr 212 Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995; Tuyển tập Hồ Chí Minh, tập 2, Tr 64, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 2003, tái bản năm 2006).
Thi hành Sắc lệnh số 14, Bộ trưởng Dương Đức Hiền ký ban hành Nghị định số 13/TN ngày 30-1-1946 xác định nhiệm vụ, hoạt động của Nha Thể dục Trung ương, thành lập Ban Cố vấn, Ban Bảo trợ hoạt động và Ủy ban Thể thao Bắc Kỳ, Phòng Thể dục thành phố Hà Nội. Hệ thống tổ chức bộ máy thể dục thể thao từ trung ương đến địa phương mới được xây dựng chưa đầy 2 tháng đã phải vừa triển khai công việc vừa phải sắp xếp lại nhân sự theo nhiệm vụ do bộ mới điều hành.
Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Đặng Thai Mai thi hành Sắc lệnh số 38, đầu tiên, ban hành Nghị định 167/NĐ phân công một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách Nha Thanh niên và Thể dục; đổi tên Nha Thể dục Trung ương thành Phòng Thể dục Trung ương. Bộ trưởng Dương Đức Hiền được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Nha Thanh niên và Thể dục. Ông Hà Đức Toàn giữ chức Tổng Ủy viên Thể dục phụ trách Phòng Thể dục Trung ương. Ông Huỳnh Văn Tiểng phụ trách Phòng Thanh niên Trung ương (Việt Nam Dân Quốc công báo ngày 20-4-1946).
Ngày 2-4-1946 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ra Thông tư số 10/NV/CC về việc đặt Ủy viên Thể dục ở các cơ quan Bộ và Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Đặng Thai Mai ban hành Nghị định 330/NĐ ngày 22-7-1946 quy định mỗi kỳ, bộ lập một Sở Thanh niên-Thể dục; mỗi tỉnh, thành phố lập một Ty Thanh niên-Thể dục. Ở các phủ, huyện có Ban Thanh niên – Thể dục và dưới cấp xã lập Tiểu ban Thanh niên – Thể dục.
Như vậy, rõ ràng việc ra đời hai Sắc lệnh số 14 và số 38 cùng nhiệm vụ Thể dục thể thao. Nhìn vào chương trình nghị sự của các Hội nghị Ủy ban Thể thao Bắc Bộ (Hà Nội ngày 7-4-1946); Hội nghị Ủy viên Thể dục các tỉnh Bắc Bộ (Hà Nội ngày 27-4-1946). Đặc biệt Hội nghị Thể dục toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hà Nội từ ngày 29-4 đến 2-5-1946); Hội nghị Thể dục Trung Bộ lần thứ nhất (Thuận Hóa – Huế trong các ngày 29-7 đến 3-8-1946)… cùng bàn chương trình phát triển thể dục thể thao trong hiện tình của nước Việt Nam mới. Đồng thời xác định một số nguyên tắc về phổ thông thể dục và hoạt động thể thao nhằm tới đích sức khỏe toàn dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.
Lời “Hô hào đồng bào tập thể dục” của Bác đã trải qua 68 năm. Từng câu chữ, ý tứ của Người vẫn nguyên tính thời sự. Những lời và ý trong hai Sắc lệnh số 14 và số 38 suy ngẫm càng thấy vô cùng sâu sắc. Nỗi trăn trở và mong muốn của Bác về đất nước với lớp lớp thế hệ con cháu kế tiếp phải cường kiện, khỏe mạnh để xây dựng thành công mục tiêu Dân cường thì quốc thịnh.
Từ lời dạy của Bác, Ngành TDTT đã bước sang năm thứ 14 thực hiện cuộc vận động sâu sắc trong toàn Ngành “Rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại” và cuộc vận động chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Trung ương Đảng phát động, nhất định sự nghiệp TDTT do Bác khai sinh, dẫn dắt sẽ thành hiện thực, đạt kết quả tốt đẹp.
TRƯƠNG XUÂN HÙNG