NCS Đồng Hương Lan bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường

Tin tức

22.06.2016

Sáng ngày 21/6/2016, tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh Đồng Hương Lan về Đề tài luận án: “Nghiên cứu phát triển thể chất của học sinh trung học phổ thông chuyên các tỉnh Bắc miền Trung”

Đến dự buổi bảo vệ Luận án của NCS Đồng Hương Lan  có: PGS.TS. Vũ Đức Thu – Cán bộ hướng dẫn 1, NGƯT.GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Cán bộ hướng dẫn 2; PGS.TS. Lê Văn Trưởng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức,… cùng các nhà khoa học, gia đình và bạn bè của NCS. Đồng Hương Lan.

            Hội đồng chấm Luận án cho NCS. Đồng Hương Lan  gồm 7 thành viên: NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân – Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Văn Phúc – Uỷ viên thư ký; GS.TS. Nguyễn Xuân Sinh – Phản biện 1; GS.TS. Lưu Quang Hiệp – Phản biện 2; TS. Lê Anh Thơ – Phản biện 3; TS. Ngũ Duy Anh – Uỷ viên; TS. Trần Kim Cương – Uỷ viên.

 

TS. Nguyễn Văn Phúc công bố các quyết định thành lập hội đồng bảo vệ của NCS Đồng Hương Lan

             Sau 4 năm tiến hành nghiên cứu (từ 2012 – 2016) công trình nghiên cứu của NCS. Đồng Hương Lan đã hoàn thành. Luận án được trình bày trong 150 trang đánh máy khổ A4, chưa kể các phần mục lục và tài liệu tham khảo, bao gồm  phần mở đầu và 03 chương, kết luận và kiến nghị. Luận án đã sử dụng 39 biểu bảng, 04 biểu đồ và 77 tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Đề tài sử dụng 8 phương pháp nghiên cứu. Địa điểm nghiên cứu được tiến hành tại: Trường ĐH TDTT BN và 08 trường THPT chuyên thuộc 06 tỉnh trên địa bàn khu vực Bắc miền Trung.

Những đóng góp mới của luận án:

1. Đánh giá được mặt bằng chung về năng lực thể chất của học sinh THPT chuyên khu vực Bắc miền Trung, cũng như công tác giáo dục thể chất của các trường THPT chuyên khu vực Bắc miền Trung:

– Năng lực thể chất của học sinh THPT chuyên các tỉnh Bắc miền Trung mặc dù có sự tăng trưởng năm sau sao hơn năm trước (cả về mặt hình thái, chức năng, tố chất thể lực). Tuy nhiên vẫn còn thấp, đặc biệt là thấp hơn đáng kể so với kết quả điều tra thể chất người Việt Nam năm 2001 có cùng độ tuổi, giới tính.

– Về tố chất thể lực chung: Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) còn ở mức thấp, trung bình ở các nội dung chỉ có tỷ lệ 51.16% đạt yêu cầu.

– Công tác GDTC cho học sinh tại các trường THPT chuyên khu vực Bắc miền Trung mặc dù đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cơ bản. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là việc thực hiện chương trình môn học thể dục chưa triệt để, nội dung và phương pháp tổ chức quá trình dạy học chưa đáp ứng được nhiệm vụ và yêu cầu. Chưa coi trọng công tác ngoại khoá thể thao của học sinh, thiếu sự tổ chức, hướng dẫn học sinh tự tập luyện,  rèn luyện thân thể và các hình thức hoạt động tập luyện còn đơn điệu. Các điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa có sự động viên thích hợp đối với cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia hoạt động phong trào luyện ngoại khoá và thi đấu các môn thể thao.

2. Trên cơ sở điều tra thực trạng và phân tích nguyên nhân, căn cứ chuẩn thể lực rút ra từ kết quả điều tra thể chất nhân dân người Việt Nam thời điểm năm 2001, chuẩn thể lực của chương trình dạy học môn thể dục năm 2006 và quy định đánh giá thể lực học sinh, sinh viên ban hành năm 2008 của Bộ Giáo dục và đào tạo, quá trình nghiên cứu đã xây dựng được 06 bảng phân loại, 06 bảng điểm tổng hợp theo từng test và 01 bảng điểm tổng hợp đánh giá xếp loại năng lực thể chất của học sinh THPT chuyên các tỉnh Bắc miền Trung (các lứa tuổi 15, 16 và 17 tương ứng với các khối lớp 10, 11 và 12).

3. Quá trình nghiên cứu đã lựa chọn và xây dựng được 08 giải pháp với những chỉ dẫn cụ thể nhằm phát triển thể chất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác GDTC cho học sinh THPT chuyên các tỉnh Bắc miền Trung. Qua kiểm nghiệm trong thực tiễn công tác GDTC cho đối tượng nghiên cứu đã khẳng định được hiệu quả trong việc phát triển thể chất cho học sinh trong các nhà trường, thể hiện qua những mặt:

– Năng lực thể chất của học sinh: Các yếu tố hình thái, chức năng có sự tăng trưởng so với trước thực nghiệm (tuy rằng sự tăng trưởng này không có sự khác biệt rõ rệt); các tố chất thể lực chung tăng trưởng rõ rệt và khác biệt có ý nghĩa thống kê (với P < 0.05) so với trước thực nghiệm.

– Kết quả học tập môn học thể dục của học sinh đã được cải thiện rõ rệt, đồng thời phong trào tập luyện ngoại khóa, thi đấu các môn thể thao của học sinh đã được tăng lên đáng kể.

-Các kết quả nghiên cứu đạt được của NCS có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong công tác GDTC nói chung và phát triển thể chất cho học sinh nói riêng. Từ đó tiến hành đổi mới hình thức tổ chức, quản lý hoạt động tập luyện ngoại khóa TD,TT phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, góp phần phát triển thể chất cho học sinh THPT chuyên khu vực Bắc miền Trung – vấn đề hiện đang là yêu cầu cấp thiết theo định hướng của Chính phủ và của Ngành Thể dục thể thao.

Toàn cảnh buổi bảo vệ

            Từ những kết quả nghiên cứu đã đạt được của Luận án, có thể thấy rằng đề tài Luận án Tiến sĩ của NCS. Đồng Hương Lan  tuy còn có những khiếm khuyết. Nhưng kết quả nghiên cứu đạt được của Luận án mang tính cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn. Các thiếu sót của Luận án sẽ chỉnh sửa, bổ sung. Nội dung và hình thức của Luận án đã đảm bảo theo đúng yêu cầu của một Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục chuyên ngành GDTC.

            Kết quả, Luận án đã được thông qua với 100% số phiếu tán thành của thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu.