NCS Lê Đông Dương bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường

Tin tức

20.06.2017

Hôm nay, ngày 20/6 tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Lê Đông Dương về đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh các trường tiểu học tỉnh Thanh Hóa”

NCS Lê Đông Dương báo cáo luận án tại hội đồng (ảnh Hải An)

   Đến dự buổi bảo vệ Luận án của NCS Lê Đông Dương  có: PGS.TS. Vũ Đức Thu – Cán bộ hướng dẫn 1, PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân – Cán bộ hướng dẫn 2; PGS.TS. Vũ Chung Thủy – Phó hiệu trưởng trường Đại học TDTT Bắc Ninh; PGS.TS. Phạm Đình Bẩm – Nguyễn Phó hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; TS Lê Anh Thơ – Nguyễn Phó bí thư thường trực Bộ VHTTDL; GS.TS. Nguyễn Xuân Sinh – Nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH TDTT Tp HCM… cùng các nhà khoa học, Trưởng các đơn vị,  gia đình và bạn bè của NCS Lê Đông Dương.

            Hội đồng chấm Luận án cho NCS Lê Đông Dương  gồm 7 thành viên: GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Uỷ viên thư ký; PGS.TS. Lê Đức Chương – Phản biện 1; PGS.TS. Trần Đức Dũng  – Phản biện 2; TS. Trần Đức Phấn – Phản biện 3; TS. Ngũ Duy Anh – Uỷ viên; TS. Nguyễn Thanh Tùng  – Uỷ viên.

 

Sau một thời gian dài nghiên cứu cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp và đặc biệt là hai cán bộ hướng dẫn cho NCS là PGS. TS Vũ Đức Thu và PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân, NCS Lê Đông Dương đã hoàn thành luận án Tiến sĩ của mình. Luận án đã tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng công tác GDTC trong 40 trường tiểu học thuộc 3 vùng miền Tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 11 trường khu vực miền núi, 20 trường khu vực Đồng bằng và 9 trường khu vực Thành phố trên cơ sở các mặt: Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng tới công tác GDTC; thực trạng kết quả học tập môn học Thể dục cũng như nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả học tập môn học Thể dục của học sinh. Quá trình nghiên cứu cũng đã lựa chọn được 11 tiêu chí đánh giá thực trạng thể chất của học sinh các Trường tiểu học Tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 3 chỉ số hình thái, 2 chỉ số chức năng và 6 test đánh giá trình độ thể lực. Trên cơ sở đó, luận án tiến hành kiểm tra và so sánh thể chất của học sinh các trường tiểu học thuộc 3 vùng miền trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa. Kết quả cho thấy: Đặc điểm hình thái và chức năng cơ thể của HSTH tỉnh Thanh Hóa tương đương với mặt bằng chung của người Việt Nam cùng lứa tuổi, giới tính; khi so sánh trình độ thể lực của học sinh các vùng miền tỉnh Thanh Hóa theo giá trị trung bình kết quả kiểm tra các test cho thấy: sự khác biệt trình độ thể lực có ý nghĩa thống kê diễn ra nhiều nhất khi so sánh học sinh miền núi và học sinh thành thị và diễn ra cả ở học sinh nam và nữ. Khi so sánh trình độ thể lực của học sinh các vùng miền tỉnh Thanh Hóa theo tỷ lệ đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên theo quyết định Số: 53/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ GD&ĐT cho thấy: Trình độ thể lực của học sinh chủ yếu ở mức độ trung bình. Ở đối tượng nam, trình độ thể lực đạt mức tốt nhiều nhất ở học sinh đồng bằng, sau đó tới miền núi và thành thị; Ở đối tượng nữ, trình độ thể lực đạt mức tốt nhiều nhất ở học sinh miền núi, sau đó tới đồng bằng và thành thị. Tỷ lệ học sinh không đạt tiêu chuẩn cao nhất ở cả nam và nữ rơi vào khối thành thị, thấp nhất ở miền núi.

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn công tác GDTC trong các trường tiểu học Tỉnh Thanh Hóa, luận án đã lựa chọn được 12 giải pháp thuộc 03 nhóm nhằm nâng cao hiệu quả GDTC cho học sinh các trường tiểu học thành phố Thanh Hóa. Cụ thể gồm: Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giờ học GDTC nội khóa (4 giải pháp); Nhóm giải pháp tăng cường hoạt động TDTT ngoại khóa (5 giải pháp) và Nhóm giải tăng cường hiệu quả các yếu tố cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (3 giải pháp). Các nhóm giải pháp lựa chọn và xây dựng của luận án bước đầu đã được ứng dụng trong thực tế và đánh giá hiệu quả, kết quả, các nhóm giải pháp lựa chọn của luận án đã bước đầu có hiệu quả trong việc phát triển hình thái của HSTH tỉnh Thanh Hóa, có tác dụng tốt trong việc phát triển chức năng cơ thể của học sinh và đặc biệt trong việc phát triển thể lực học sinh, nâng cao kết quả học tập môn Thể dục và phát triển phong trào TDTT ngoại khóa tại các trường tiểu học thuộc nhóm thực nghiệm.

NCS Lê Đông Dương chụp ảnh lưu niệm với các thầy chấm luận án và thầy, cô hướng dẫn luận án (ảnh Hải An)

            Kết quả, Luận án đã được 7/7 thành viên hội đồng thông qua với 100% số phiếu tán thành của thành viên Hội đồng.