Thể thao Việt Nam: 74 năm xây dựng và trưởng thành

Tin tức

27.03.2020

Thể thao Việt Nam đã trải qua hành trình dài với 74 năm xây dựng và phát triển với những dấu ấn quan trọng trên cả lĩnh vực thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng như trên còn đường hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực Thể dục thể thao.

Thể thao quần chúng đã phát triển sâu, rộng, lan tỏa trên khắp các tỉnh, thành phố, từ nông thôn đến thành thị. Hình ảnh người dân Việt Nam tập luyện thể dục thể thao đã trở nên quen thuộc. Tính đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,5%. Thể thao thành tích cao ghi nhiều dấu ấn với những tấm huy chương danh giá trên đấu trường thể thao thế giới.

Sau cách mạng tháng 08/1945, Bác Hồ đã khai sinh nền thể thao mới. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước ta thể hiện sự quan tâm lớn lao của Đảng, Nhà nước đối với công tác TDTT. Tháng 03/1941, trong cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh nêu “Cần phải khuyến khích và giúp đỡ nền TDTT quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm khỏe mạnh”.Trong những năm kháng chiến ở khu Việt Bắc, Bác Hồ là người tập luyện TDTT đều đặn, người còn động viên chiến sĩ quân đội trong nhân dân cần gìn giữ sức khỏe, tăng cường thể lực phục vụ cho công tác và chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc. Một trong những bài tập sử dụng rộng rãi là bài tập quân sự gồm 32 động tác với súng gậy và một số môn như việt dã, chạy vũ trang, bóng chuyền, bơi…Ở cả 3 miền đất nước, trong các chiến khu, TDTT đã trở thành một động lực lớn cho cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thành lập Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tăng cường mở rộng hoạt động thể dục thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất. Cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Người viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước,… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập“. Lời kêu gọi của Bác đã trở thành quan điểm đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở để xây dựng nền thể dục thể thao Việt Nam dân tộc, khoa học và nhân dân.

Từ năm 1955- 1975, Thể dục, thể thao đã trở thành biện pháp cơ bản để phát triển con người toàn diện. Thể dục thể thao thời đó chủ yếu là tự phát theo sở thích và điều kiện của từng đối tượng tham gia. Chú trọng việc phát triển TDTT trong lực lượng quân đội, Cảnh sát. Nhằm phục vụ cho các cuộc đàn áp của giai cấp thống trị, phát triển TDTT trong lực lượng Hướng đạo sinh, thí sinh quân và các Lực lượng tôn giáo khác (Cao đài, Hòa hảo…). Riêng các hoạt động thể thao dân tộc vẫn được duy trì trong các Lễ hội, Đình làng… Song TDTT quần chúng ở thời kỳ này chỉ phát triển trong phạm vi thành thị… Với việc  thành lập Tổng Cục TDTT Cộng Hòa, TDTT đã có các Hội và Liên Đoàn thường xuyên duy trì hoạt động, song các tổ chức này đều do sĩ quan quân đội và cảnh sát nắm giữ. Các tổ chức Thể thao của chính quyền trước đây cũng tham gia một số hoạt động TDTT quốc tế và TDTT Đông Nam Á. Đặc biệt đoạt giải Merdeka (1966), một giải quốc tế do Malaysia tổ chức, và một số VĐV trong lực lượng quân sự trước đây đã giành một số thành tích trong các giải Bóng Bàn, Bóng Chuyền, Bơi.

Sau khi hòa bình lập lại 1954, Chính phủ đã thành lập Ban TDTT ở các tỉnh thành. Ngày 16/03/1957 Thông tư số 92, phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể với đợt phát động này đã thu hút nhiều tầng lớp lao động tham gia tập luyện và thi đấu. TDTT được xây dựng một cách có kế hoạch và hệ thống, việc định hướng chiến lược phát triển TDTT đồng bộ từ Trung Ương đến cơ sở, chú trọng công tác: Tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thành lập các trung tâm và Trường đào tạo VĐV; thường xuyên phát động quần chúng tham gia tập luyện TDTT; Tổ chức nhiều giải thi đấu, tổ chức Đại hội TDTT. Tham gia các giải thi đấu quốc tế. Triển khai kế hoạch xây dựng cở sở vật chất phục vụ cho việc phát triển TDTT. Xét duyệt và cấp chế độ cho các huấn luyện viên, VĐV có khả năng phát triển thành tích cao, tăng cường hệ thống tuyên truyền Giáo dục mọi người tham gia tập luyện. Chú trọng đào tạo cán bộ khoa học TDTT để nâng cao thành tích TDTT…

Kể từ đó đến nay, Thể dục Thể thao nước nhà đã nhận được nhiều sự quan tâm, định hướng của Đảng và Nhà nước với nhiều quyết sách quan trọng, bước khởi đầu là thông tri số 33 của BCH TW Đảng cộng sản Việt Nam ngày 5/3/1984 về tiến hành Đại hội TDTT các cấp 1985. Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao lành mạnh. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 133 TTg về việc “Quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao”: ngành Thể dục thể thao đã thực hiện cuộc tổng điều tra và xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2000 và những năm đầu thế kỷ 21.

Cùng với đó, Chỉ thị số 36 CT/TW BCH TW Đảng được ban hành là cơ sở và nền tảng vững chắc cho sự ra đời của các văn bản pháp qui đến các hoạt động TDTT như Pháp lệnh TDTT số 28/2000 UBTVQH khoá 10, Luật Thể dục, Thể Thao của Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 10 ngày 29/11/2006 có IX chương 79 điều cùng một số nghị định, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 23/10/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010; Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020…

Những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực TDTT đã đưa Thể thao Việt Nam có những bước phát triển sâu rộng. Phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân phát triển theo chiều sâu, thu hút đông đảo mọi người dân, mọi đối tượng tham gia tập luyện TDTT. Cho đến nay,số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,5%; số câu lạc bộ thể thao: 60.000 câu lạc bộ; số cộng tác viên thể thao: 40.000 người. Phong trào TDTT trong học sinh thông qua Hội khoẻ Phù Đổng và Đại hội thể thao sinh viên thường xuyên tổ chức theo định kỳ 4 năm/lần. Số lượng môn thể thao và số lượng VĐV tham gia được tăng dần qua các kỳ đại hội. Nếu tại Hội khoẻ Phù đổng Toàn quốc lần I tổ chức tại Thủ đô Hà Nội chỉ có 36 tỉnh thành và 2 ngành tham dự với số VĐV tham gia là 737 thì đến Hội khoẻ Phù đổng Toàn quốc lần II tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, số VĐV tham gia đã tăng lên là 1069. Gần đây nhất tại Hội khỏe Phù Đổng 2016 đã quy tụ được 3.899 vận động viên là học sinh ở 3 cấp: Tiểu học, THCS, THPT đến từ 63 đơn vị tỉnh, thành phố.

Thể thao thành tích cao đã từng bước khẳng định vị trí của Thể thao Việt Nam trên bản đồ Thể thao thế giới, khi các VĐV Việt Nam liên tiếp ghi tên mình trên bảng thành tích ở các đấu trường Thể thao Oympic, ASIAD, SEA Games cũng như các giải đấu quốc tế quan trọng khác. Từ năm 1989, thông qua SEA Games lần thứ 15 tại Malaysia, từ những bước đi đầu tiên để kiếm tìm thành tích, đến nay Thể thao Việt Nam đã xác định được vị thế cho mình trên đấu trường quốc tế. Đó là vị trí vững chắc trong tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực Đông Nam Á mà SEA Games 30 vừa khép lại tại Philippines vừa qua là minh chứng (giành 98 huy chương Vàng – 85 huy chương Bạc – 105 huy chương Đồng, xếp thứ 2 toàn đoàn). Còn tại châu lục, nếu lấy kỳ Đại hội thể thao châu Á ASIAD năm 2018 ở Indonesia là thước đo, thì tương ứng là vị trí trong nhóm 20 đoàn thể thao hàng đầu (5 huy chương Vàng – 15 huy chương Bạc – 18 huy chương Đồng, xếp hạng 16 toàn đoàn).

Olympic Rio de Janeiro 2016 đánh dấu kỳ tích cho Thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bất ngờ vượt mọi thử thách để là người mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Chưa dừng lại ở đó, ở nội dung 50m súng ngắn, nam xạ thủ Quân đội còn giành thêm 1 tấm huy chương Bạc, để trở thành vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử thể thao nước nhà, tính đến thời điểm này. Và chính thành công của Hoàng Xuân Vinh đã giúp Thể thao Việt Nam tìm được vị thế mới trên bản đồ thể thao thế giới khi lần đầu tiên Thể thao Việt Nam vươn lên Top 50 thế giới (xếp hạng toàn đoàn 48/206 quốc gia tham gia tranh tài). Trước đó, tại Olympic Sydney 2000, võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành 1 huy chương Bạc, giúp Việt Nam xếp hạng 64 chung cuộc. Tới Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng có ngôi á quân và đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 70. Không những thế, Việt Nam còn được bạn bè quốc tế biết đến với những lần tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn như SEA Games 22, Asian Indoor Games 3. Đây cũng là những bước đệm để Thể thao Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế, chinh phục những đỉnh cao Olympic Tokyo 2020 cũng như hướng đến tổ chức thành công SEA Games 31.

Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới.

                      Nguồn: https://tdtt.gov.vn