Tổng kết thực tập nghiệp vụ cuối khóa của Đại học khóa 48 ngành Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT và Y sinh học TDTT

Tin tức

23.09.2015

Thực hiện kế hoạch đào tạo các ngành của Đại học khóa 48, theo kế hoạch thực tập nghiệp vụ cuối khóa của Nhà trường, Phòng Đào tạo đã phối hợp với 03 khoa Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT và Y sinh học TDTT tổ chức cho 285 sinh viên Đại học khóa 48 thực tập tại 18 đơn vị, địa phương từ ngày 22/6/2015 đến ngày 28/8/2015

Các sinh viên được phân thành 4 đoàn thực tập, số lượng các đoàn được biên chế từ 50 đến 92 sinh viên theo nhu cầu đề nghị của các địa phương cần sinh viên thực tập, cụ thể: Đoàn 1 gồm 50 sinh viên, thực tập ở 4 đơn vị: Tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm TDTT Sóc Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ do thầy Ngô Trung Dũng chỉ đạo; Đoàn 2 với số lượng sinh viên đông nhất là 92 em, thực tập ở 4 đơn vị: Trung tâm TDTT Gia Lâm, các đơn vị tại Hà Nội, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình do thầy Lý Đức Trường chỉ đạo; Đoàn 3 do thầy Trương Đức Thăng chỉ đạo gồm 67 sinh viên, thực tập tại các đơn vị: Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia I, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng và Trung tâm TDTT Long Biên; Đoàn 4 là đoàn có số lượng 76 sinh viên, thực tập ở 6 đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh do thầy Trần Văn Thạch chỉ đạo.

            Tại buổi tổng kết thực tập ngày 23/9, các đoàn đã có báo cáo cụ thể về các mặt như: Công tác triển khai kế hoạch thực tập, công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực tập, kết quả việc thực hiện kế hoạch thực tập nghiệp vụ chuyên môn…. Trong đó, phần đánh giá kết quả được đặc biệt chú trọng, những ưu điểm, nhược điểm và những kiến nghị cũng như đề xuất của các đoàn được nhấn mạnh, theo đó, trong thời gian thực tập, sinh viên được tham gia vào công tác giảng dạy các lớp TDTT phong trào, tham gia tổ chức và chỉ đạo các đội thể thao cơ sở, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao địa phương, tham gia tổ chức đồng diễn, Hội khỏe phù đổng ở cấp xã, phường, huyện, quận…qua đó, sinh viên đã trưởng thành về nhiều mặt như: Giảng dạy, huấn luyện, biên soạn giáo án, tổ chức các hoạt động ngoại khóa…. từng bước nhận thức được thực tế phong trào TDTT ở cơ sở, bước đầu làm quen với các nội dung, nghiệp vụ hoạt động của người cán bộ TDTT, xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với cán bộ TDTT và quần chúng ở cơ sở, các sinh viên trong quá trình thực tập có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tích cực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TS. Lý Đức Trường, giáo viên chỉ đạo đoàn thực tập đông nhất với số lượng 92 sinh viên đã báo cáo kết quả thực tập của đoàn với 47 giấy khen cá nhân và 2 giấy khen tập thể

            Sau hơn 2 tháng thực tập, các đoàn đã có nhiều công sức đóng góp vào sự phát triển phong trào TDTT ở các cơ sở, được các địa phương đánh giá cao và ghi nhận những thành tích, cụ thể: Về tập thể, đã có 4 đoàn được nhận giấy khen của các đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình và Trung tâm TDTT Bộ Công An; Về cá nhân: Đã có 123 sinh viên được tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực tập.

            Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong buổi tổng kết, các đồng chí giáo viên chỉ đạo các đoàn cũng đã đưa ra một số tồn tại trong quá trình thực tập như: Nhiều cơ sở nhận sinh viên về thực tập song không có công việc chuyên môn, kiến thức chuyên môn TDTT của một số sinh viên còn yếu nên khi triển khai công việc còn nhiều lúng túng, năng lực giao tiếp, quan hệ công tác, năng lực sư phạm của sinh viên còn nhiều hạn chế, khả năng biên soạn kế hoạch, giáo án của sinh viên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, kỹ năng viết báo cáo, việc xây dựng các văn bản hành chính của sinh viên còn kém, nhiều sinh viên không xây dựng được các văn bản trình, báo cáo công việc, tính chủ động của sinh viên trong công tác báo cáo, thông tin các vấn đề liên quan còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số sinh viên có ý thức kỷ luật chưa cao, còn tự ý bỏ thực tập.

ThS. Trần Văn Thạch, giáo viên chỉ đạo đoàn thực tập tại 6 đơn vị, địa phương kiến nghị “cần bồi dưỡng các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho sinh viên để kỳ thực tập đạt hiệu quả cao hơn”

            Thực tập nghiệp vụ là khâu quan trọng trong kế hoạch đào tạo hệ Đại học và Cao đẳng chính quy, thời gian tuy ngắn nhưng đây là dịp để sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế công tác, chuẩn bị tốt về mọi mặt để sau khi ra trường có thể đáp ứng với công tác thực tế, vì vậy các giáo viên chỉ đạo các đoàn cũng đã đưa ra một số kiến nghị, đặc biệt nhấn mạnh về việc trang bị các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi đi thực tập như: phương pháp biên soạn kế hoạch, chương trình, giáo án, kỹ năng giảng dạy, huấn luyện, tổ chức thi đấu, trọng tài, biên soạn điều lệ giải, đặc biệt quan tâm và tổ chức cho sinh viên thực tập giảng dạy nhiều lần để bồi dưỡng năng lực sư phạm cho các em. Bên cạnh đó, thời gian thực tập cũng nên tiến hành vào đầu tháng 6 thay vì cuối tháng 6 như hiện nay; Việc biên chế của các đoàn thực tập nên từ 60-100 sinh viên cho các địa phương có phong trào TDTT phát triển và có quan hệ truyền thống với Nhà trường; Nhà trường cần ban hành các nội dung đánh giá hoạt động chỉ đạo của giáo viên trưởng các đoàn thực tập để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động ngoài trường của giáo viên.

            Trước những kết quả được các đoàn đưa ra, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: Phòng Đào tạo cần xây dựng lộ trình cho các đoàn về kế hoạch thực tập và kế hoạch kiểm tra cụ thể, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để thời gian thực tập của các khóa vào đầu tháng 6 hàng năm; Các đoàn thực tập cần có biên bản giao – nhận sinh viên thực tập giữa giáo viên chỉ đạo và đơn vị cơ sở; Các công tác tạm ứng, thanh quyết toán đoàn thực tập cần theo đúng quy trình….

            Bên cạnh đó, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân cũng ghi nhận những đóng góp tích cực của sinh viên các đoàn thực tập trong công tác quảng bá tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đợt 2 của Nhà trường, góp phần tạo nên thành công chung cho kỳ thi tuyển sinh đợt 2 vừa qua.

            Kết quả điểm thực tập: Đa số sinh viên được các cơ sở đánh giá tốt và cho từ 90 điểm trong phiếu đánh giá trở lên. Trên cơ sở đó, cùng với các mặt công tác khác, giáo viên chỉ đạo các đoàn đã đánh giá điểm thực tập cho sinh viên với kết quả: 266 sinh viên đạt điểm 10, chiếm 93.33%; 8 sinh viên đạt điểm 9, chiếm 2.81%; 1 sinh viên đạt điểm 6, chiếm 0.35%; 9 sinh viên điểm 0, chiếm 3.16% và 1 sinh viên không đủ điều kiện chiếm 0.35%.