Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh hoàn thành xuất sắc đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: “Xây dựng chương trình Thể dục thể thao ngoại khóa cho học sinh phổ thông các tỉnh miền Bắc Việt Nam”
25.12.2017
Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Nguyễn Đại Dương. Đơn vị chủ trì đề tài: Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Đây là công trình nghiên cứu có sự kế thừa từ kết quả nghiên cứu của đề tài KH&CN cấp Bộ: “Nghiên cứu diễn biến phát triển thể chất của học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12” (cũng do Trường Đại học TDTT Bắc Ninh chủ trì thực hiện), đồng thời là một trong những nội dung quan trọng triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 của Thủ tướng chính phủ (gọi tắt là đề án 641) và Đề án tổng thể phát triển GDTC và Thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng chính phủ (gọi tắt là đề án 1076).
GS.TS. Nguyễn Đại Dương, Chủ nhiệm đề tài, đại diện đơn vị chủ trì đề tài phát biểu tại buổi bảo vệ
Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ gồm: PGS.TS. Lê Đức Chương, Chủ tịch hội đồng; TS. Đặng Hà Việt – Phản biện 1, PGS.TS. Phạm Đông Đức – Phản biện 2, TS. Hoàng Công Dân – Ủy viên, TS. Từ Mạnh Lương, Ủy viên, PGS.TS. Bùi Quang Hải – Ủy viên và PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – Ủy viên. Hội đồng đã bầu thư ký hội đồng là PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương. Thư ký hành chính là ThS. Nguyễn Thị Phương Loan, TS. Trần Thị Kim Quế.
Về phía Trường Đại học TDTT Bắc Ninh có: GS.TS. Nguyễn Đại Dương – Chủ nhiệm đề tài, đại diện đơn vị chủ trì đề tài; PGS.TS. Đinh Quang Ngọc – Thư ký; các thành viên nhóm nghiên cứu, đại viện Viện Khoa học và Công nghệ TDTT và các khách mời.
PGS.TS. Lê Đức Chương, Chủ tịch hội đồng công bố kết quả nghiệm thu đề tài với 7/7 phiếu tán thành
Sau 02 năm nghiên cứu, đề tài đã được nghiệm thu đúng tiến độ với các sản phẩm chính gồm: Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu; Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu; 04 bài báo khoa học, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí quốc tế, 02 bài đăng trên Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế (trong đó có 1 bài đăng toàn văn bằng tiếng Anh) và 01 bài đăng trên Tạp chí Khoa học trong nước có chỉ số ISSN); 07 bộ chương trình thuộc 07 môn thể thao được xây dựng cho 03 cấp học (tiểu học, THCS và THPT) gồm: Aerobic, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông, Võ – Karatedo, Đẩy gậy và Đá cầu), bài tập thể dục giữa giờ (10 phút) được xây dựng cho 3 hình thức tổ chức tập luyện: Tập luyện ngoài sân trường, tập luyện trong nhà tập thể chất và tập luyện trong lớp học); Báo cáo phân tích số liệu điều tra khảo sát; báo cáo thực trạng các yếu tố đảm bảo cho việc xây dựng chương trình TDTT ngoại khóa nâng cao thể lực cho học sinh phổ thông miền Bắc Việt Nam…
Đề tài nghiên cứu tiếp cận dưới 3 góc độ: Góc độ GDTC (Tập luyện TDTT sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, thể chất của học sinh; Hoạt động TDTT của học sinh gồm: Chính khóa và ngoại khóa), góc độ Y học TDTT (Kết quả theo dõi diễn biến phát triển thể chất cho thấy, thể chất của học sinh phát triển khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi và vùng miền) và góc độ tâm lý học TDTT (hoạt động TDTT ngoại khóa là hoạt động tự nguyện, theo sở thích và hứng thú của học sinh). Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: Chương trình TDTT ngoại khóa cho học sinh phổ thông các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu: Nội dung, chương trình hoạt động TDTT ngoại khóa dưới hình thức CLB cho học sinh phổ thông các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Quá trình nghiên cứu sử dụng 6 phương pháp nghiên cứu khoa học thường quy trong TDTT gồm: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp phỏng vấn, tọa đàm; Phương pháp kiểm tra sư phạm; Phương pháp kiểm tra y học; Phương pháp thực nghiệm sư phạm và Phương pháp toán học thống kê.
Các kết quả nghiên cứu chính đạt được của đề tài:
1. Đề tài đã đánh giá chính xác thực trạng các điều kiện đảm bảo cho việc xây dựng chương trình TDTT ngoại khóa nâng cao thể lực cho học sinh phổ thông miền Bắc (theo vùng: Đồng bằng, Trung Du và Miền Núi). Cụ thể cho thấy: Học sinh phổ thông các cấp học ở các vùng thuộc khu vực miền Bắc Việt Nam chưa thường xuyên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa; Nội dung tập luyện ngoại khóa của học sinh các cấp học khác nhau tại các khu vực khác nhau có sự khác biệt, tuy nhiên, đa phần các em lựa chọn tập luyện các môn thể thao hiện đại và các môn thể thao dân tộc phù hợp với đặc điểm khu vực sinh sống; Hình thức tập luyện chủ yếu theo các CLB thể thao trong và ngoài trường, có người hướng dẫn. Thực trạng chất lượng các bài tập thể dục giữa giờ (10 phút) chỉ được đánh giá ở mức trung bình, do vậy chưa phát huy được tác dụng trong việc giúp học sinh giảm căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình học tập. Các điều kiện đảm bảo: Cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện ngoại khóa của học sinh phổ thông ở cả 3 cấp còn thiếu; Đội ngũ giáo viên về cơ bản còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt đối với khối THCS và Tiểu học; Còn không ít các trường học ở cả 3 cấp học chưa ban hành các văn bản liên quan tới hoạt động TDTT ngoại khóa. Trên cơ sở phân tích thực trạng cho thấy: Cần thiết phải cải tiến bài tập thể dục giữa giờ cho học sinh, lựa chọn và xây dựng chương trình TDTT ngoại khóa theo từng môn thể thao phù hợp với đặc điểm, điều kiện vùng miền để thu hút học sinh tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa và phát triển toàn diện thể lực cho học sinh.
2. Trên cơ sở phân tích đặc điểm phát triển thể chất của học sinh ở 3 khu vực thuộc miền Bắc Việt Nam, đồng thời thông qua các phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp, đề tài đã lựa chọn và xây dựng được chương trình TTDT ngoại khóa bồm 5 môn thể thao hiện đại (Aerobic, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông, Võ – Karatedo) và 2 môn thể thao dân tộc (Đẩy gậy và Đá cầu) và bài thể dục giữa giờ (10 phút).
3. Quá trình thực nghiệm đã chứng minh tính hiệu quả của bài tập thể dục giữa giờ mà đề tài xây dựng trong việc giúp học sinh giảm căng thẳng, mệt mỏi, hạn chế sự suy giảm năng lực chú ý trong quá trình học; Các chương trình thể thao ngoại khóa môn Bóng rổ, Đá cầu và Bóng đá đã giúp cải thiện thể chất và phát triển thể lực học sinh nhóm thực nghiệm ở các trường THCS Bích Sơn – Bắc Giang, THCS Hưng Thành – Tuyên Quang và Trung tâm đào tạo Bóng đá Nam Định.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đạt được, đề tài đã đưa các các kiến nghị phù hợp với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trung tâm TDTT, các trường học các cấp cũng như các kiến nghị về việc liên kết giữa các Trung tâm TDTT và các trường học các cấp… nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDTC nói chung và hoạt động TDTT ngoại khóa nói riêng trong trường học các cấp.
PGS.TS. Lê Đức Chương, Chủ tịch hội đồng công bố kết quả nghiệm thu đề tài với 7/7 phiếu tán thành
Với các kết quả nghiên cứu đạt được, đề tài đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Bộ và đạt 7/7 phiếu tán thành nghiệm thu ở mức độ xuất sắc.