Lịch sử phát triển Trường giai đoạn III (1986-1999)

14-01-2017 00-00

Lịch sử phát triển Trường giai đoạn III (1986-1999) Xây dựng và phát triển Nhà trường trong công cuộc đổi mới đất nước

Từ năm 1986, các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới theo Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI). Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng tiến hành đổi mới để phát triển và tiến bộ.

1. Đoàn kết vượt qua khó khăn - Đổi mới để phát triển

Từ năm 1986-1989, tình hình kinh tế xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả của cơ chế quan liêu, bao cấp. Đời sống của cán bộ, giáo viên, sinh viên thiếu thốn. Nhiều trường đại học, cao đẳng phải tạm đóng cửa để học sinh về gia đình tự giải quyết cuộc sống. Trong điều kiện đó, phần đông cán bộ, đảng viên và quần chúng vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chủ trương của Đảng bộ Nhà trường. Đảng viên, cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Đại học Thể dục thể thao vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức, đoàn kết, cùng nhau khắc phục khó khăn, sẵn sàng gánh vác và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thời điểm này, số lượng giảng viên của Nhà trường là 152 người, trong đó 133 cử nhân, 13 thạc sĩ, 5 tiến sĩ, 4 giảng viên chính, 3 phó giáo sư, 1 giáo sư.

Năm 1987, Nhà trường đã củng cố và tiến hành bước đổi mới căn bản về cơ cấu tổ chức. Cơ cấu tổ chức Nhà trường được xây dựng hệ thống quản lý theo 2 cấp: Ban Giám Hiệu và phòng, khoa, ban, bộ môn trực thuộc. Việc hình thành 5 khoa và 16 bộ môn trực thuộc Ban Giám hiệu đã góp phần nhất định nâng cao trách nhiệm của các cán bộ quản lý, tạo thuận lợi cho các hoạt động mang tính chuyên môn theo đặc thù của các đơn vị, giúp bộ máy Nhà trường hoạt động tốt hơn.

Cũng trong giai đoạn này, Ban Chấp hành Đảng Bộ cùng Ban Giám hiệu Nhà trường, BCH Công Đoàn, BCH Đoàn Thanh niên, Ban nữ công… Nhà trường đã quán triệt và vận dụng những quan điểm đổi mới vào nhiệm vụ đào tạo, trọng tâm từ đào tạo theo chuyên môn hóa hẹp trước đây chuyển sang đào tạo theo diện rộng, giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường dễ thích nghi với yêu cầu đổi mới của đất nước. Với sự chung sức, đồng lòng, Cán bộ, giáo viên, công nhân viên Nhà trường đã động viên, giúp đỡ nhau, tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Đến đầu năm 1989 nhà trường đã phần nào giải quyết được khó khăn về đời sống cán bộ để giữ ổn định nhiệm vụ và kế hoạch đào tạo.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vẫn tiến hành theo sự đầu tư, cấp vốn của nhà nước. Các hoạt động chủ yếu trong giai đoạn này gồm: Cải tạo nhà tập võ, hoàn thành Hội trường A, sửa 2 Nhà tập Thể dục. Năm 1987, Nhà trường đã khởi công xây dựng khu nhà liên hợp 5 tầng vừa làm giảng đường, vừa là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các phòng, ban, bộ môn.

Những cố gắng nỗ lực của Nhà trường trong giai đoạn này đã tạo nên những chuyển biến, tuy chưa nhiều và chưa lớn nhưng đã bước đầu khẳng định sự ổn định và bước phát triển của Nhà trường trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới.

Tháng 12 năm 1989, tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường, ghi nhận những thành tích và công lao đóng gốp đáng kể của các thế hệ thầy và trò trong quá trình xây dựng và phát triển, Chủ tịch  nước đã tặng thưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Huân chương Lao động Hạng Nhì.

Những năm 1990-1991 là thời gian có nhiều khó khăn đối với Nhà trường khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt nước XHCN khác ở Đông Âu cũng bị tan rã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội và các hoạt động khác của Việt Nam. Tình trạng lạm phát lại tiếp tục xảy ra nặng nề hơn, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Sự nghiệp đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Trong thời điểm đó, Nhà trường đã ra Nghị quyết 01-NQ/ĐU ngày 31/5/1991 về việc “Tăng cường công tác quản lý giảng dạy, học tập”, từ đó có nhiều biện pháp giúp Nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Ngành Thể dục thể thao được tổ chức, củng cố lại. Chỉ sau một năm, các hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo uy tín rộng rãi đối với cán bộ, các ngành khác.

Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 25/TC về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm Ngày Thể thao Việt Nam. Sự kiện này đã tạo ra một khí thế mới trong hoạt động của toàn Ngành Thể dục thể thao nói chung và của Trường Đại học TDTT nói riêng.

Ngày 28 tháng 11 năm 1992, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 11/CP đổi tên Trường Đại học Thể dục thể thao thành Trường Đại học Thể dục thể thao I.

Quy mô đào tạo, nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường có sự đổi mới và phát triển ngày càng mở rộng. Từ những năm học 1993-1994 đến năm học 1999-2000, số lượng thí sinh và nhu cầu đào tạo về cán bộ TDTT tăng cao không ngừng như: Năm 1999, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường trên 15.000 người...

Công tác phát triển đội ngũ giảng viên, HLV có trình độ chuyên môn cao cũng được Nhà trường chú trọng và tập trung đầu tư đào tạo. Năm 1992, Trường Đại học TDTT I là cơ sở đầu tiên trong hệ thống đào tạo nhân lực TDTT được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ TDTT có trình độ thạc sĩ. Từ đó đến năm 1999 Nhà trường đã tổ chức đào tạo được hơn 10 khóa cao học với trên 100 học viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường rất được chú trọng. Phòng quản lý khoa học của Nhà trường được nâng cấp thành Trung tâm KHKT TDTT; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được mở rộng; số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng đông, chất lượng ngày một nâng cao...

Cơ sở vật chất được Nhà trường tăng cường xây dựng và bước đầu bảo đảm trang thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện đại phục vụ tốt cho công tác đào tạo như: khu giảng đường liên hợp 5 tầng, hội trường A hiện đại với quy mô 500 chỗ ngồi; hệ thống nhà tập tổng hợp, sân bãi hiện đại được nâng cấp thường xuyên.

Năm 1994, Trường Đại học TDTT I được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Năm 1999 Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba.

2. Những thành tích đạt được

Huân chương lao động hạng nhất được tặng thưởng năm 1994

Huân chương độc lập hạng Ba được tặng thưởng năm 1999

Huân chương Lao động Hạng Ba (Cho Bộ môn Điền Kinh và Bộ môn Thể dục) được tặng thưởng năm 1999

Chuyên mục tin tức